Thẩm định bởi:

Dược sĩ – Thạc sĩ Hoàng Phương Cúc

Co-Founder PharmaDi, Giám đốc PharmaDi Hà Nội

viêm tiết niệu

Viêm tiết niệu: Nguyên nhân, dấu hiệu, điều trị và phòng ngừa

Viêm tiết niệu (viêm đường tiểu) là tình trạng một số cơ quan trong hệ tiết niệu bị viêm nhiễm. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng rất nghiêm trọng. Hãy cùng trang bị kiến thức về viêm tiết niệu qua bài viết sau nhé!

Viêm tiết niệu là gì?

Hệ tiết niệu được chia thành 2 phần: đường tiết niệu trên và đường tiết niệu dưới.

Viêm tiết niệu là tình trạng viêm nhiễm mọi cơ quan tiết niệu do vi sinh vật gây ra. Tuy nhiên, hầu hết viêm tiết niệu thường xảy ra ở đường tiết niệu dưới. Các cơ quan dễ bị ảnh hưởng nhất là niệu đạo, bàng quang, tinh hoàn và tiền liệt tuyến (ở nam giới).

Đây là một bệnh rất phổ biến. Theo thống kê, khoảng 60% phụ nữ và 12% nam giới sẽ bị viêm tiết niệu ít nhất một lần trong đời. Ở nữ giới, viêm tiết niệu thường là viêm bàng quang và bể thận. Trong khi đó, viêm tiết niệu ở nam giới thường nói đến niệu đạo và tuyến tiền liệt.

Viêm tiết niệu là bệnh lý viêm nhiễm phổ biến, đặc biệt là ở nữ giới
Viêm tiết niệu là bệnh lý viêm nhiễm phổ biến, đặc biệt là ở nữ giới

Nguyên nhân viêm tiết niệu

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến viêm đường niệu là sự xâm nhập của các vi sinh vật gây bệnh. Trong đó, vi khuẩn E.Coli được xem là thủ phạm hàng đầu.

Một lượng lớn vi khuẩn này được tìm thấy nằm gần âm đạo, trực tràng hoặc từ da. Vi khuẩn từ nơi khu trú đi đến bộ phận sinh dục ngoài, gây viêm niệu đạo, bàng quang. Theo đó chúng có thể xâm nhập và lây lan lên các nội tạng khác, thậm chí lan đến thận.

Một số yếu tố khác góp phần làm gia tăng nguy cơ dẫn tới bệnh lý này là:

Giới tính

Viêm tiết niệu phổ biến ở nữ giới hơn nam giới do cấu tạo của cơ quan sinh dục. Ở nữ giới, cấu trúc niệu đạo ngắn hơn và nằm gần hậu môn hơn khiến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập từ hậu môn lên gây bệnh. Bên cạnh đó, vi khuẩn từ âm đạo cũng rất dễ dàng lây lan đến các cơ quan tiết niệu.

Một yếu tố khác khiến nữ giới dễ bị viêm niệu đạo hơn là do sự sụt giảm estrogen. Estrogen có vai trò bảo vệ âm đạo và tiết niệu khỏi các vi sinh vật gây bệnh. Lượng estrogen có thể bị giảm rõ rệt nhất ở phụ nữ tiền mãn kinh và mãn kinh.

Cấu trúc niệu đạo ngắn ở nữ giới dễ gây viêm nhiễm đường niệu hơn nam giới
Cấu trúc niệu đạo ngắn ở nữ giới dễ gây viêm nhiễm đường niệu hơn nam giới

Dinh dưỡng và lối sống

Dinh dưỡng và lối sống không lành mạnh có thể là một trong những nguyên nhân gây viêm tiết niệu. Nguyên nhân này phổ biến ở mọi đối tượng, cả người lớn và trẻ em.

Viêm có thể xuất phát từ những thói quen ăn uống và sinh hoạt như:

  • Nhịn tiểu lâu, thường xuyên nhịn tiểu
  • Vệ sinh không sạch sẽ, nhất là sau khi đi vệ sinh
  • Sử dụng đồ lót quá chật hoặc không thoải mái
  • Uống nhiều thức uống có cồn gây kích thích bàng quang
  • Ăn nhiều thực phẩm có đường tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển
Thói quen sinh hoạt và ăn uống có thể làm tăng nguy cơ viêm đường tiểu
Thói quen sinh hoạt và ăn uống có thể làm tăng nguy cơ viêm đường tiểu

Quan hệ tình dục

Do cấu tạo gần nhau nên hệ sinh dục sẽ có sự ảnh hưởng nhất định đến hệ tiết niệu. Theo đó, thói quen quan hệ cũng là yếu tố gây nên các bệnh phụ khoa và tiết niệu.

  • Quan hệ tình dục không lành mạnh, mạnh bạo
  • Dương vật bị tổn thương, kích thích niệu đạo,… 
  • Không vệ sinh trước và sau khi quan hệ 

Các nguyên nhân khác

Một số nguyên nhân khác có thể gây nên tình trạng viêm nhiễm là:

  • Có thai hoặc sử dụng các biện pháp ngừa thai
  • Bệnh kèm: viêm bao quy đầu, tiểu đường, suy giảm miễn dịch,…
  • Người đặt ống thông tiểu
Phụ nữ có thai dễ bị viêm tiết niệu hơn các đối tượng khác
Phụ nữ có thai dễ bị viêm tiết niệu hơn các đối tượng khác

Dấu hiệu nhận biết viêm tiết niệu

Viêm nhiễm tiết niệu đôi khi không biểu hiện triệu chứng mà chỉ được phát hiện thông qua xét nghiệm nước tiểu. Tuy nhiên, bệnh vẫn có một số dấu hiệu để nhận biết. Các triệu chứng này được chia thành hai nhóm: triệu chứng tại chỗ và toàn thân.

Triệu chứng tại chỗ

Triệu chứng tại chỗ thường xuất hiện khi bệnh chưa quá nghiêm trọng. Bệnh nhân cần nhận biết sớm và có biện pháp điều trị kịp thời khi có tình trạng:

  • Tiểu rắt, tiểu buốt
  • Tiểu nhiều, tiểu lắt nhắt
  • Cảm giác buồn tiểu kể cả khi không còn nước tiểu trong bàng quang
  • Thường xuyên đi tiểu vào ban đêm
  • Đau buốt khi tiểu, khó tiểu, thậm chí bí tiểu
  • Nước tiểu đục, mùi hôi nồng, có lẫn máu hoặc mủ
  • Đau khi quan hệ tình dục

Triệu chứng toàn thân

Nếu nhiễm trùng lan đến thận, có thể gây ra các triệu chứng toàn thân như:

  • Sốt cao, ớn lạnh
  • Da ửng đỏ
  • Buồn nôn và nôn
  • Đau vùng bụng dưới hoặc đau lưng dữ dội

Khi gặp các triệu chứng kể trên, người bệnh cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ. Nếu viêm nhiễm kéo dài có thể gây nhiễm trùng thận, sau đó lan vào máu gây nguy hiểm đến tính mạng.

Tiểu buốt, tiểu nhiều, đau bụng dưới,... là biểu hiện của viêm tiết niệu
Tiểu buốt, tiểu nhiều, đau bụng dưới,… là biểu hiện của viêm tiết niệu

Khi nào nên đi khám bác sĩ?

Người bệnh nên đi khám khi các triệu chứng nhiễm trùng tiết niệu ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày. Đặc biệt là khi xuất hiện các triệu chứng toàn thân. 

Hầu hết các trường hợp không biến chứng được chỉ định kháng sinh trong vòng 3 ngày. Trường hợp viêm nhiễm nặng như nhiễm trùng thận có thể phải điều trị bằng kháng sinh dài ngày. Khi đó, người bệnh cần được nhập viện và điều trị theo quy định của bác sĩ. 

Viêm tiết niệu là bệnh lý có thể tái phát nhiều lần. Do đó, người bệnh cần tuân thủ sử dụng đủ liều kháng sinh kể cả khi các triệu chứng đã thuyên giảm.

Đặc biệt, cần thăm khám bác sĩ sớm nếu nghi ngờ nhiễm khuẩn tiết niệu khi đang mang thai. Bởi bệnh có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé nếu không được điều trị kịp thời.

Nên đến khám bác sĩ khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm trùng tiết niệu
Nên đến khám bác sĩ khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm trùng tiết niệu

Cách chữa viêm tiết niệu tại nhà

Khi các dấu hiệu viêm nhiễm đường tiểu không quá nghiêm trọng và chưa ảnh hưởng đến đời sống, bạn có thể được bác sĩ chỉ định điều trị tại nhà. Tuy nhiên, bệnh nhân không nên chủ quan và tự ý điều trị. Đây là bệnh dễ tái phát và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị đúng cách.

Cách chữa viêm tiết niệu tại nhà theo lời khuyên của bác sĩ mà chị em nên tham khảo là duy trì lối sống và chế độ dinh dưỡng lành mạnh. Đây được xem là biện pháp hàng đầu để duy trì sức khỏe cũng như phòng ngừa viêm nhiễm.

  • Uống nhiều nước và đi tiểu thường xuyên.
  • Sử dụng các thực phẩm giàu vitamin C, bổ sung lợi khuẩn.
  • Giữ vùng kín sạch sẽ và khô thoáng.
  • Vệ sinh từ trước ra sau, không lau hoặc xịt ngược từ hậu môn lên âm đạo.
  • Vệ sinh trước và sau khi quan hệ tình dục.
  • Thay quần lót, tã lót thường xuyên.

Nếu chưa bị viêm, bạn vẫn có thể thực hiện những biện pháp trên mỗi ngày. Điều này giúp ngăn ngừa và bảo vệ hệ tiết niệu khỏi nguy cơ viêm nhiễm.

Nếu đang bị nhiễm khuẩn tiết niệu và muốn xoa dịu triệu chứng, hãy hỏi ý kiến bác sĩ để:

  • Uống các thuốc giảm đau không kê đơn (như Paracetamol, NSAIDs,…) giúp giảm đau và hạ sốt.
  • Chườm nước nóng lên vùng bụng và vùng chậu giúp làm dịu cơn đau.
  • Hạn chế ăn nhiều đồ ngọt, chiên rán hoặc các chất kích thích như rượu, bia, cà phê,…
  • Tránh quan hệ tình dục khi đang bị viêm.
Uống thuốc, chườm nóng, hạn chế rượu bia... có thể làm dịu cơn đau do viêm nhiễm
Uống thuốc, chườm nóng, hạn chế rượu bia… có thể làm dịu cơn đau do viêm nhiễm

Viêm tiết niệu là bệnh lý phổ biến ở rất nhiều đối tượng, đặc biệt là chị em phụ nữ. Bệnh cần được phát hiện và điều trị sớm để tránh biến chứng nguy hiểm về sau. Hãy chia sẻ bài viết này để cùng nâng cao kiến thức, bảo vệ sức khỏe cho người thân và bạn bè nhé!

Nguồn tham khảo: MSD Manual, Mayo Clinic, NHS.

    Add to cart