Thẩm định bởi:

Tác giả – Biên tập viên Nguyễn Bích Trâm

Communication Manager

Đưa Kinh Doanh Lên Thương Mại điện Tử: Để Ra Quyết định Chính Xác Chỉ Sau Vài Cú Click

Đưa kinh doanh lên thương mại điện tử: Để ra quyết định chính xác chỉ sau vài cú click

Mục lục

    Nếu các nhà bán hàng và doanh nghiệp tận dụng ưu thế số liệu sớm thì hiệu quả kinh doanh có thể chuyển biến ngoài sức tưởng tượng, đồng thời giảm rủi ro khi kinh doanh thương mại điện tử.

    Đó là nhận định của ông Phạm Bảo Trung – Giám đốc Kinh doanh của Metric – nền tảng Big Data chuyên khai thác và nghiên cứu số liệu thương mại điện tử (E-commerce), giúp doanh nghiệp, thương hiệu và nhà bán kinh doanh thương mại điện tử hiệu quả hơn nhờ ra quyết định nhanh và chính xác. 

    Ông Phạm Bảo Trung chia sẻ với PharmaDi về tầm quan trọng của số liệu đối với chiến lược kinh doanh thương mại điện tử của doanh nghiệp. 

    * PharmaDi: Có thể thấy, Metric hiện sở hữu cơ sở dữ liệu lớn nhất thị trường khi bao phủ 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam là Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki, Sendo và hơn 100.000 website thương mại điện tử hoạt động tại Việt Nam. Cơ sở dữ liệu này sẽ giúp ích rất nhiều cho các nhà kinh doanh. Vậy lợi ích lớn nhất mà các doanh nghiệp, thương hiệu và nhà bán hàng nói chung có được nếu sử dụng Metric khi kinh doanh trên các nền tảng E-commerce là gì?

    Ông Phạm Bảo Trung: Có 2 lợi ích lớn nhất. 

    Một là họ sẽ có được thông tin, nguồn dữ liệu lớn và chính xác về thị trường, ngành hàng hoặc nhóm hàng cụ thể trên các sàn thương mại điện tử. Nguồn dữ liệu này không những giúp họ lên kế hoạch hay theo dõi gian hàng của mình mà còn có thể so sánh, đối chiếu với thị trường chung và đối thủ kinh doanh. Vì vậy, họ sẽ ra quyết định chính xác hơn vì dựa trên số liệu phản ánh đúng thị trường, thay vì ra quyết định cảm tính dễ dẫn đến rủi ro khi kinh doanh thương mại điện tử.

    Hai là lợi ích về mặt tốc độ, thời gian. Thông thường, đơn vị kinh doanh muốn tiếp cận với một báo cáo thị trường và số liệu nói chung phải tốn khoảng 3 – 6 tuần. Giờ đây, họ có thông tin dựa trên thời gian thực chỉ sau vài cú click chuột.

    Số lượng hay loại dữ liệu mà Metric cung cấp có khác nhau theo ngành hàng hoặc theo cấp độ dịch vụ hay không?

    Hiện tại, Metric cung cấp dữ liệu đồng đều trên các ngành, với độ chính xác 95%, không phân biệt ngành hàng hay sản phẩm. 

    Đưa Kinh Doanh Lên Thương Mại điện Tử: Để Ra Quyết định Chính Xác Chỉ Sau Vài Cú Click
    Ông Phạm Bảo Trung – Giám đốc Kinh doanh của Metric – nền tảng Big Data chuyên khai thác và nghiên cứu số liệu thương mại điện tử. Nguồn: Metric

    Để tối ưu mức độ chính xác khi ra quyết định kinh doanh dựa trên dữ liệu, theo ông, doanh nghiệp hay nhà bán hàng nói chung cần cập nhật dữ liệu với tần suất thế nào?

    Tần suất cập nhật dữ liệu sẽ phụ thuộc vào chiến lược và nhu cầu của doanh nghiệp, nhưng nhìn chung, phần lớn cập nhật mỗi tuần một lần để theo dõi sự vận hành của doanh nghiệp mình hoặc xem xét các động thái của đối thủ.

    Với những doanh nghiệp có kế hoạch dài hạn, ví dụ như cho nửa cuối năm 2024 hoặc cho năm 2025, họ có thể truy cập vào lịch sử dữ liệu của Metric trong tối đa 2 năm.

    Mặt khác, có những nhãn hàng lớn đang chạy một chiến dịch bán hàng, ví dụ các chương trình flash sale, họ sẽ cần cần tốc độ cập nhật dữ liệu hằng giờ. Dĩ nhiên khi đó mức phí cũng sẽ thay đổi theo tốc độ hoặc mức độ chi tiết của ngành hàng. Có thể hiểu nôm na là tốc độ cập nhật càng nhanh thì chi phí càng cao.

    Năm 2023 vừa qua, Metric đã đạt giải Nhì Nhân tài Đất Việt ở hạng mục sản phẩm Công nghệ số Triển vọng. Theo ông, điều gì đã giúp Metric có được thành tựu này chỉ mới sau 2 năm hoạt động?

    Metric chính thức ra mắt thị trường và cung cấp dịch vụ rộng rãi đến khách hàng được 2 năm, nhưng thực tế chúng tôi đã triển khai Metric từ năm 2019. Và bên cạnh Metric, chúng tôi cũng có nhiều dự án khác đi kèm, hướng đến mong muốn trở thành “Google về dữ liệu cho thị trường Việt Nam và Đông Nam Á”. Một trong số đó là phần mềm BeeCost Mua Thông Minh, hỗ trợ người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm khi mua sắm. Vì vậy, chúng tôi có được lượng dữ liệu đồ sộ và tập hợp được đội ngũ lập trình viên nhiều kinh nghiệm. 

    Tính đến cuối năm 2023, mỗi ngày hệ thống của Metric xử lý hơn 10 terabyte dữ liệu và liên tục tổng hợp thông tin cập nhật của hơn 350 triệu dữ liệu thông tin sản phẩm. Chúng tôi cán mốc 8 tỷ điểm lịch sử số liệu trong năm 2023.

    Đồng thời, một yếu tố nữa giúp Metric thành công là cung cấp giải pháp linh hoạt dành cho mọi nhu cầu. Chúng tôi không “kén” đối tượng khách hàng nào.

    Ngoài giải thưởng trên, trong quá trình hoạt động của Metric, có cột mốc ấn tượng nào chứng minh sự hữu ích tuyệt vời của Metric đối với hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp?

    Chúng tôi rất tự hào khi thấy có nhiều doanh nghiệp, nhãn hàng sau khi sử dụng Metric đã đưa số liệu nghiên cứu của Metric vào quy trình hoạt động của họ. Điều này khẳng định tính hữu ích của Metric đối với doanh nghiệp.

    Chúng tôi cũng rất vui khi nhìn thấy sự biến chuyển về tư duy số liệu trong các doanh nghiệp nội địa mà vốn trước đó không quá coi trọng vấn đề này.

    Có một trường hợp rất đáng nhớ, là một doanh nghiệp kinh doanh mỹ phẩm. Để tìm nguồn hàng phù hợp, họ đã dùng số liệu của Metric để nghiên cứu kỹ lưỡng về sở thích sử dụng son môi của người tiêu dùng Việt Nam, từ chất lượng, thương hiệu, màu sắc đến phân khúc giá. Sau đó, họ tìm được nguồn son môi chất lượng từ Hàn Quốc, đáp ứng được mọi tiêu chí đề ra. Không những vậy, họ còn chứng minh được năng lực với đối tác ở Hàn Quốc nhờ nắm vững thông tin thị trường Việt Nam. 

    Kết quả là, họ đàm phán thành công trở thành nhà phân phối độc quyền cho sản phẩm đó. Chưa đến một năm sau, họ đạt doanh số 1,5 triệu USD, và luôn nằm trong top 10 thương hiệu nhà bán trên sàn thương mại điện tử đang tập trung chính là Shopee. Sẵn đà thành công trên kênh thương mại điện tử, họ triển khai thêm cửa hàng offline trên cả nước.

    Đưa Kinh Doanh Lên Thương Mại điện Tử: Để Ra Quyết định Chính Xác Chỉ Sau Vài Cú Click
    Đội ngũ Metric tại văn phòng công ty. Nguồn: Metric

    Mức phí dịch vụ cụ thể được Metric tính thế nào?

    Metric phân loại dữ liệu thành nhiều phương án, từ đơn giản đến chuyên sâu. 3 gói dịch vụ chính được phân tầng như sau:

    • Gói 1 là phần mềm trên website. Đây là gói tổng quan, có giá thành 18 – 48 triệu đồng/năm, đáp ứng nhu cầu của hơn 90% khách hàng Metric. Chỉ cần vài phút sau khi click, doanh nghiệp đã nắm được số liệu tổng quan của thị trường.
    • Gói 2 là gói thông tin chi tiết hơn, dành cho doanh nghiệp lớn và có sẵn đội ngũ phân tích dữ liệu. Họ sẽ nhận dữ liệu từ Metric, sau đó tự “làm sạch”, xử lý và lên báo cáo.
    • Gói 3 cũng là gói dành cho doanh nghiệp lớn nhưng chưa có đội ngũ phân tích thông số. Metric sẽ phân tích, lên báo cáo chuyên sâu và gửi đến doanh nghiệp để họ ra quyết định.

    Nhìn chung, gói 2 và gói 3 thường có mức giá dao động vô cùng linh hoạt, từ vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng, dựa trên nhu cầu cụ thể, phục vụ 10% khách hàng Metric. Thực tế đối với các doanh nghiệp lớn mà nói, chỉ một thay đổi nhỏ trong quyết định kinh doanh cũng tạo nên thay đổi đáng kể trong doanh thu nên họ rất chú trọng dữ liệu thị trường thực tế.

    Ông có thể mô tả các bước cụ thể để doanh nghiệp hoặc nhà bán hàng sử dụng dịch vụ của Metric?

    Bước đầu tiên là khách hàng chia sẻ với Metric về nhu cầu số liệu cần có, tần suất cập nhật số liệu, lựa chọn sàn thương mại điện tử… Bước thứ hai, Metric sẽ tư vấn các phương án dữ liệu để giúp giải quyết vấn đề. Và bước thứ ba: khách hàng đăng ký gói dịch vụ để sử dụng. 

    Đối với gói phổ biến nhất là gói 1, sau khi thanh toán, khách hàng sẽ có được dữ liệu phân tích. Trong quá trình sử dụng, họ sẽ được chuyên viên Metric đồng hành, hướng dẫn. Thực tế là sẽ có nhiều dữ liệu “gây nhiễu” như quà tặng, khuyến mãi… nên cần phải biết cách loại bỏ để có dữ liệu chính xác nhất.

    Khác biệt lớn nhất của Metric so với các công ty phân tích số liệu khác trên thị trường là gì, có phải ở công nghệ hay yếu tố nào khác?

    Công nghệ là một trong những yếu tố khác biệt, giúp Metric có được dữ liệu đa dạng, tăng mức độ chuyên sâu và tốc độ cập nhật để cá thể hoá nhu cầu khách hàng.

    Ngoài ra, Metric còn có những khác biệt liên quan đến tầm nhìn lớn: mong muốn xây dựng hệ sinh thái giá trị cho người tiêu dùng và người kinh doanh trên thương mại điện tử, kết hợp cả người mua và người bán một cách minh bạch. Khi đó, người mua hàng sẽ dễ tìm hiểu thông tin sản phẩm, còn nhà bán hàng cũng sẽ dễ tiếp cận thông tin thị trường để giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh.

    Ông có thể mô tả bức tranh “hệ sinh thái giá trị” này cụ thể hơn?

    Bức tranh chung sẽ có 2 cấu phần chính là 2 nền tảng mà chúng tôi đang mong muốn kết hợp lại với nhau:

    • Một là nền tảng BeeCost Mua Thông Minh dành cho người mua hàng, giúp họ tìm kiếm tên sản phẩm hay ngành hàng. Họ sẽ được giới thiệu đến nơi bán hàng tốt nhất hay có mức giá tốt nhất để yên tâm mua sắm.
    • Hai là nền tảng Metric dành cho nhà bán hàng, giúp họ có dữ liệu về kinh doanh thương mại điện tử để nghiên cứu thị trường và đưa ra chiến lược bán hàng hiệu quả hơn.

    Còn lại các dự án khác cũng sẽ được tích hợp vào đây để kết nối nhà bán hàng với người tiêu dùng. Chẳng hạn như thêm các phương thức thanh toán từ các bên hỗ trợ thanh toán, hay các bên vận chuyển, kho vận… Các doanh nghiệp này cũng đang là khách hàng của Metric và mong muốn có kết nối sâu hơn với các bên khác, tạo thêm nhiều giá trị cho lĩnh vực thương mại điện tử Việt Nam.

    Cảm ơn ông, chúc Metric luôn thành công!

    Cần tư vấn giải pháp bán hàng đa kênh, kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, chuyển đổi số nhà thuốc, kinh doanh nhà thuốc, mở nhà thuốc mới… vui lòng liên hệ email info@pharmadi.vn hoặc số điện thoại 0976231023.

      Sản phẩm liên quan

      Add to cart