Thẩm định bởi:

Dược sĩ – Thạc sĩ Hoàng Phương Cúc

Co-Founder PharmaDi, Giám đốc PharmaDi Hà Nội

Có nhiều loại vitamin và mỗi loại có nhu cầu khác nhau

Nhu cầu vi chất dành cho mẹ bầu và mẹ cho con bú

Mang thai và cho con bú là một thiên chức cao cả của người phụ nữ. Cung cấp dinh dưỡng như thế nào hay cung cấp bao nhiêu là đủ luôn là trăn trở của những mẹ bầu và mẹ cho con bú. Nhu cầu của vi chất (bao gồm vitamin và khoáng chất) trong quá trình mang thai và cho con bú hầu hết sẽ cao hơn so với bình thường. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về một số vi chất dinh dưỡng quan trọng cần được chú ý bổ sung và nhu cầu cụ thể của các chất đó của những bà mẹ trong lúc mang thai và cho con bú.

1. Vitamin

Có nhiều loại vitamin và mỗi loại có nhu cầu khác nhau
Có nhiều loại vitamin và mỗi loại có nhu cầu khác nhau

Vitamin A

Vitamin A là vitamin tan trong dầu, vì thế chúng không được bài tiết nhanh ra khỏi cơ thể mà được dự trữ tại gan và mô mỡ. Vitamin A đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển về hình thái và chức năng của mắt ở thai nhi và đóng góp vào sự hình thành một số cơ quan của bào thai. Đối với trẻ nhỏ, vitamin A hỗ trợ sự phát triển hệ xương và hệ miễn dịch của da niêm. Thiếu vitamin A có thể dẫn đến nhiều vấn đề về mắt như quáng gà, khô mắt thậm chí là mù loà. Ngoài ra, một số tác động khác do thiếu vitamin A có thể kể đến như chậm tăng trưởng, da khô,… Nhu cầu vitamin A khuyến nghị ở người trưởng thành ở mức 650 mcg/ngày. Phụ nữ có thai trong 6 tháng đầu nhu cầu vitamin A tương đương với mức bình thường. Trong giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ, nhu cầu vitamin A thường tăng từ 10 – 20%, trong khoảng 750 – 800 mcg/ngày. Đối với bà mẹ cho con bú, nhu cầu vitamin A cao hơn và được khuyến nghị  ở mức 1100 mcg/ngày. Tuy nhiên, việc bổ sung vitamin A trong thai kỳ nên thận trọng vì nó có khả năng gây dị tật bào thai và ngộ độc gan. Ngưỡng tối đa cung cấp vitamin A là 3000 mcg/ngày.

Vitamin B9 (Acid folic)

Acid folic có vai trò trong quá trình tổng hợp ADN và nhiều chức năng khác. Thiếu acid folic tại thời điểm thụ thai và trong giai đoạn đầu của thai kỳ gây ảnh hưởng nặng nề đến thai nhi, đặc biệt phải kể đến là dị tật ống thần kinh, bại não, não úng thuỷ, chẻ vòm hầu,… dẫn đến cân nặng lúc sanh của trẻ thấp, thậm chí là chết trong bụng mẹ. Việc bổ sung acid folic nên bắt đầu từ sớm khi có kế hoạch sinh con hoặc tại thời điểm vừa phát hiện có thai. Nhu cầu acid folic ở phụ nữ có thai là 600 mcg/ngày và bà mẹ cho con bú là 500 mcg/ngày. Trên thực tế, lượng acid folic được hấp thu từ thực phẩm khó có thể đạt được theo nhu cầu. Do đó, riêng đối với phụ nữ có thai khuyến cáo cần phải dùng viên bổ sung thêm acid folic 400mcg/ngày từ trước khi mang thai ít nhất 3 tháng đến tuần thứ 12 của thai kỳ.

Chủ động bổ sung acid folic sớm từ trước khi mang thai để tránh dị tật thai nhi
Chủ động bổ sung acid folic sớm từ trước khi mang thai để tránh dị tật thai nhi

Vitamin B12

Vitamin B12 có chức năng chính trong chuyển hoá acid folic và tổng hợp acid nucleic (ADN, ARN). Thiếu vitamin B12 có thể dẫn đến thiếu máu hồng cầu to và rối loạn hoạt động thần kinh. Theo khuyến nghị của WHO, nhu cầu vitamin B12 ở người trưởng thành ước tính là 2.4 mcg/ngày và tăng thêm 0.2 mcg/ngày ở phụ nữ có thai và cho con bú.

Vitamin C

Vitamin C ngoài tác dụng chống oxy hóa, tăng cường sức đề kháng thì còn có vai trò hỗ trợ hoạt động của các chất khoáng vi lượng. Vitamin C làm tăng hấp thu sắt, kẽm và giúp các chất khoáng này được giải phóng thành dạng hoạt động có lợi cho sức khỏe. Nhu cầu vitamin C ở người trưởng thành Việt Nam vào khoảng 65 – 70 mg/ngày và tăng thêm 10 – 25 mg/ngày ở bà mẹ có thai và cho con bú.

Vitamin D

Vitamin D giúp điều hoà lượng Canxi và Phospho trong máu, từ đó hình thành và duy trì hệ xương và răng khỏe mạnh. Hậu quả của việc thiếu vitamin D ở trẻ nhỏ là còi xương, còn đối với các bà mẹ có thể dẫn đến giảm mật độ khoáng của xương gây nên loãng xương về già. Theo Viện Dinh Dưỡng, nhu cầu vitamin D ở người trưởng thành là 15 mcg/ngày, và nhu cầu này tăng cao hơn ở phụ nữ có thai và cho con bú, ở mức 20 mcg/ngày.

2. Khoáng chất

Sắt

Trong khi mang thai và cho con bú, cơ thể người phụ nữ có sự gia tăng về thể tích máu nên cần cung cấp thêm sắt. Sắt được cung cấp qua thức ăn hoặc viên uống bổ sung nhằm đáp ứng nhu cầu của cơ thể, đặc biệt trong quá trình tạo máu. Cơ thể có thể dự trữ sắt để sử dụng, tuy nhiên có đến hơn 50% phụ nữ không có dự trữ sắt hoặc dự trữ thấp. Nhu cầu sắt được cung cấp trong khẩu phần ăn hằng ngày được khuyến nghị ở phụ nữ có thai là 10 – 15 mg/ngày kèm theo viên sắt bổ sung chứa 60mg sắt nguyên tố, riêng trường hợp bà mẹ mang thai bị thiếu máu thì cần bổ sung viên sắt theo phác đồ của bác sĩ điều trị. Do khả năng hấp thu sắt của cơ thể thường thấp và có sự thay đổi rất lớn tại các thời điểm khác nhau tùy thuộc vào nhu cầu hiện tại và giá trị sinh học của thực phẩm chứa sắt trong khẩu phần ăn. Vì vậy, để đảm cung cấp đủ nhu cầu sắt thì ngoài việc gia tăng những thực phẩm giàu sắt trong bữa ăn, phụ nữ có thai được khuyến nghị bổ sung thêm ít nhất một viên sắt (chứa 60mg sắt nguyên tố) hằng ngày trong suốt thai kỳ đến một tháng sau sinh. Đối với phụ nữ cho con bú, nhu cầu sắt khi chưa có kinh nguyệt trở lại là 8.9 – 13.3 mg/ngày và tăng lên 17.4 – 26.1 mg/ngày khi đã có kinh nguyệt trở lại.

Sắt là nguyên liệu tạo máu đặc biệt cần trong giai đoạn mang thai và cho con bú
Sắt là nguyên liệu tạo máu đặc biệt cần trong giai đoạn mang thai và cho con bú

Calci

Calci là thành phần chủ yếu cấu tạo nên xương và răng. Ngoài ra calci còn có vai trò trong quá trình đông máu, hỗ trợ dẫn truyền xung động thần kinh. Thiếu calci ở trẻ nhỏ dẫn đến các biểu hiện trẻ hay giật mình, quấy khóc về đêm, đổ mồ hôi trộm, chậm mọc răng, thóp rộng và chậm liền thóp. Nếu bà mẹ khi mang thai và cho con bú không cung cấp đủ calci theo nhu cầu mỗi ngày làm calci trong máu giảm, cơ thể sẽ huy động calci từ xương và răng để duy trì hoạt động bình thường, điều này kéo dài sẽ dẫn đến giảm chất lượng xương và răng. Một số dấu hiệu gợi ý cho việc thiếu calci ở các bà mẹ bao gồm hay bị tê tay chân, chuột rút (vọp bẻ), móng tay chân yếu, dễ gãy, đau nhức xương, ê răng khi ăn đồ chua hay đồ lạnh,… Nhu cầu calci ở phụ nữ mang thai là 1200mg/ngày và bà mẹ cho con bú là 1300mg/ngày.

Iodine

Iodine là thành phần cấu tạo nên nội tiết tố tuyến giáp (có vai trò quan trọng trong việc chuyển hoá năng lượng và sinh sản tế bào). Thiếu hụt Iodine dẫn đến nhiều vấn đề sức khoẻ nhất là ở trẻ em và phụ nữ có thai dẫn đến sinh non, thai chậm phát triển, thai chết lưu và đáng lo ngại là bệnh đần độn ở thai nhi. Nhu cầu Iodine ở người trưởng thành là 150 mcg/ngày và tăng lên 200 mcg/ngày ở phụ nữ có thai và cho con bú.

Kẽm

Kẽm là một yếu tố vi lượng đóng vai trò làm chất xúc tác cho hơn 100 loại enzym trong cơ thể. Do đó, nó liên quan đến hầu hết các hoạt động diễn ra trong con người. Thiếu kẽm có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Nhu cầu kẽm ở phụ nữ có thai là 10 mg/ngày (gần như gấp đôi so với nhu cầu bình thường) và cho con bú là 11 mg/ngày.

Lựa chọn sản phẩm bổ sung vitamin và khoáng chất cho mẹ bầu và mẹ cho con bú

Có rất nhiều loại vitamin và chất khoáng cần thiết trong quá trình mang thai và cho con bú. Tuy nhiên, một số phụ nữ trong thai kỳ và trong thời gian cho con bú có thói quen ăn chay, hoặc ăn kiêng, chế độ ăn không đa dạng các nhóm thực phẩm, đặc biệt là không ăn rau củ và trái cây. Trong những trường hợp này, khuyến cáo nên bổ sung thêm bằng các viên uống vitamin và khoáng chất tổng hợp dưới dạng nhiều loại vi chất được tích hợp trong một viên uống.

Tham khảo sản phẩm dành riêng cho mẹ bầu Pregnacare Max

Sản phẩm chứa hơn 20 chất dinh dưỡng cần thiết với 2 viên/ngày, trong đó chứa 400mcg Acid folic đủ theo khuyến nghị mà không cần sử dụng viên bổ sung acid folic riêng lẻ. Ngoài ra trong Pregnacare Max còn có thêm viên bổ sung omega-3, một acid béo cần thiết cho sự phát triển của não bộ của thai nhi. Hàm lượng các vitamin tan trong dầu và chất khoáng như Canxi và sắt  ở ngưỡng khoảng 50% nhu cầu, cần kết hợp thêm sữa và chế độ ăn có đạm động vật để đảm bảo nhu cầu.

Tham khảo sử dụng Pregnacare Breast-feeding

Đối với bà mẹ cho con bú, có thể tham khảo sử dụng Pregnacare Breast-feeding với 20 loại vi chất dinh dưỡng, ưu điểm là hàm lượng Canxi cao (khoảng 700mg/ngày) và bổ sung thêm omega-3 từ dầu cá (600mg). Nhu cầu về thành phần các vi chất và số lượng hầu như không thay đổi nhiều giữa giai đoạn mang thai và cho con bú, vì vậy có thể sử dụng một loại viên uống bổ sung cho cả hai giai đoạn này, tham khảo sản phẩm Blackmores Pregnancy and Breast-feeding Gold.

Kết luận

Trong giai đoạn mang thai và cho con bú, nhu cầu của hầu hết các vi chất dinh dưỡng cần thiết đều gia tăng so với bình thường. Tuy nhiên, sự gia tăng ở mỗi vitamin và khoáng chất là không giống nhau. Trong đó có một số vi chất quan trọng cần được chú ý bổ sung đầy đủ để hỗ trợ thai nhi phát triển tốt nhất và tránh những biến chứng xảy ra do thiếu chất cho cả bà mẹ và em bé. Việc bổ sung các vi chất dinh dưỡng qua thực phẩm hoặc qua các viên uống bổ sung cần thận trọng, tránh thiếu những chất cần thiết nhưng nếu quá nhiều cũng có khả năng gây hại (ví dụ quá liều vitamin A gây dị tật thai nhi). Những trường hợp mẹ bầu và mẹ cho con bú ăn uống kém, ăn chay hay không ăn đa dạng thực phẩm thì việc bổ sung các vi chất dinh dưỡng qua viên uống tổng hợp là cần thiết

    Đăng ký nhận nội dung hữu ích

    X
    Add to cart