Thị trường thực phẩm chức năng Việt Nam có quy mô 2,4 tỷ USD, là một trong những thị trường năng động và hứa hẹn. Ngày càng nhiều người Việt xem chăm sóc sức khoẻ là mối quan tâm hàng đầu, không chỉ lúc cần điều trị bệnh mà còn chú trọng chăm sóc sức khoẻ tổng thể để nâng cao thể trạng và phòng ngừa bệnh tật.
Năm 2022, thị trường thực phẩm chức năng Việt Nam có quy mô 2,4 tỷ USD, theo báo cáo của Euromonitor, với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) dự kiến đạt 7% từ năm 2023 đến năm 2028 (bởi thiếu sót khi thu thập dữ liệu, con số từ các báo cáo sẽ thấp hơn quy mô thực tế của thị trường khoảng 50 – 70%).
Nhiều chuyên gia và nhà kinh doanh bán lẻ dược phẩm nhận định, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng quan tâm đến sức khỏe và an sinh, đặc biệt là sau khi chịu ảnh hưởng của COVID-19.
Chuyển đổi sự quan tâm từ điều trị sang nâng cao thể trạng và phòng bệnh
Chăm sóc sức khỏe là mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng Việt Nam vào năm 2019, theo khảo sát của Nielsen. Trong đó, chuyển biến đáng chú ý là sự gia tăng tập trung vào sức khỏe tổng thể và y tế dự phòng.
Dược sĩ, tiến sĩ Ngô Anh Ngọc – CEO PharmaDi nhận định, khoảng 15 năm trước, người dân Việt Nam chỉ quan tâm đến chuyện điều trị mỗi khi sức khoẻ có vấn đề. Nhưng khoảng 15 năm nay, mọi người bắt đầu chú ý và tìm hiểu lợi ích của thực phẩm chức năng nhiều hơn. Gần nhất là trong 5 năm trở lại đây, do ảnh hưởng của đại dịch, mọi người lại càng quan tâm nhiều hơn đến những loại thực phẩm chức năng giúp bổ sung vitamin và khoáng chất để nâng cao thể trạng và phòng ngừa bệnh tật.
“Giai đoạn khoảng năm 2010 – 2016 có thể xem là thời kỳ bùng nổ của các thương hiệu thực phẩm chức năng trong nước như Eco, Traphaco, Hoa Thiên Phú, Nam Dược,,… Sau đó là sự tham gia của các đơn vị trong nước khác. Dần dần, thực phẩm chức năng trong nước, thực phẩm chức năng gia công nội địa và nhiều thương hiệu nước ngoài mới từng bước phát triển mạnh mẽ,” ông Ngô Anh Ngọc tóm tắt sự phát triển của thị trường thực phẩm chức năng Việt Nam. Thuận theo xu thế đó, nhiều thương hiệu thực phẩm chức năng chính hãng top đầu thế giới như Arkopharma, Optibac, Vitabiotics, Blackmores, DHC… đã và đang thâm nhập mạnh mẽ vào thị trường gần 100 triệu dân.
Nhà thuốc – kênh phân phối chính của thực phẩm chức năng
Nhìn thấy tiềm năng thị trường vào “thời kỳ bùng nổ”, ông Lê Anh Khoa – CEO hệ thống nhà thuốc Vivita bắt đầu tham gia vào sân chơi kinh doanh sản phẩm chăm sóc sức khoẻ vào năm 2017, với ngách bán thực phẩm chức năng trực tuyến trên website sieuthisongkhoe.com, tập trung vào nhóm bệnh mãn tính.
“Mục đích ban đầu của website chỉ là cung cấp kiến thức và thông tin về các loại sản phẩm chăm sóc sức khoẻ trên thị trường, giúp người tiêu dùng có được nhiều góc nhìn đa chiều, khuyến khích họ điều chỉnh thói quen sinh hoạt để có sức khoẻ tốt hơn. Nhưng rồi sau đó, thấy nhu cầu tìm mua thực phẩm chức năng ngày càng nhiều, tôi mới thành lập công ty Siêu Thị Sống Khoẻ để kinh doanh thực phẩm chức năng trực tuyến” ông Khoa kể. Siêu Thị Sống Khoẻ chính là nền tảng để sau đó ông Khoa và các cộng sự xây dựng và phát triển hệ thống nhà thuốc Vivita.
Hiện tại, nhà thuốc hay quầy thuốc chính là kênh phân phối chính của thực phẩm chức năng, chiếm hơn 60% thị trường, theo dữ liệu của Euromonitor. Trao đổi với PharmaDi, dược sĩ Trần Đình Hoài Thu – chủ hệ thống nhà thuốc An Khang Phú Quốc gần 20 năm hoạt động tại thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang nhận định, khi người tiêu dùng lựa chọn một sản phẩm thực phẩm chức năng chất lượng thì hiệu quả điều trị bệnh sẽ được nâng lên rất cao. Do đó, hệ thống 6 nhà thuốc An Khang Phú Quốc đều đi theo hướng tư vấn khách hàng sử dụng các sản phẩm chăm sóc sức khoẻ kèm với thuốc để hỗ trợ thêm.
Tăng chi tiêu cho sức khoẻ
Cùng với mối quan tâm đến vấn đề sức khoẻ, sự gia tăng tầng lớp trung lưu và mức sống cũng góp phần thay đổi hành vi của người tiêu dùng Việt Nam. Một báo cáo năm 2022 của bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam chiếm 13% dân số (xấp xỉ 13 triệu người) và có thể tăng lên 26% vào năm 2026. Theo tổ chức phân tích dữ liệu World Data Lab, trong năm 2024, Việt Nam sẽ có thêm 4 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu. Triển vọng kinh tế tích cực này dự kiến sẽ thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng Việt và tạo ra nhu cầu về thực phẩm chức năng để giải quyết sự thiếu hụt dưỡng chất và hỗ trợ điều trị bệnh tật.
Đánh giá cao tiềm năng của thị trường thực phẩm chức năng Việt Nam, ông Dương Công Đông – CEO hệ thống Nhà thuốc Việt cho rằng, lâu nhất là khoảng 2 – 3 năm nữa, khi kinh tế phục hồi trở lại, thị trường thực phẩm chức năng và thuốc bổ nói chung lại càng tiềm năng. Tại Nhà thuốc Việt, thực phẩm chức năng và dược – mỹ phẩm chiếm đến 80% doanh số, cho thấy khách hàng rất ưa chuộng các dòng sản phẩm này.
“Dân số Việt Nam đang già đi, nhiều người sẽ có nhu cầu sử dụng thực phẩm chức năng để giải quyết các vấn đề sức khoẻ. Thêm nữa, không giống như thuốc, việc sử dụng thực phẩm chức năng không bị phụ thuộc nhiều vào quyết định của bác sĩ, khâu tư vấn và bán hàng có quyền quyết định nhiều hơn. Thông thường, 80-90% bệnh nhân mua thuốc chính xác theo đơn của bác sĩ, hiếm khi chịu thay đổi theo tư vấn của nhà thuốc,” ông Dương Công Đông nhìn nhận.
Chú trọng chất lượng hơn giá cả sản phẩm
Tỷ trọng không quá chênh lệch như Nhà thuốc Việt nhưng tại hệ thống quầy thuốc Hoà Phượng ở tỉnh Thái Bình, cán cân doanh doanh số thực phẩm chức năng và thuốc đang cân bằng 50 – 50. Dược sĩ Lê Xuân Hoà, chủ hệ thống quầy thuốc Hoà Phượng đánh giá, tại Việt Nam, có một thực trạng là một số bên kinh doanh thực phẩm chức năng kém chất lượng hoặc trá hình, khiến một bộ phận người tiêu dùng có tâm lý e ngại thực phẩm chức năng. Do đó, nhà thuốc hay quầy thuốc chỉ nên chọn những loại thực phẩm chức năng chính hãng, uy tín, chất lượng tốt, có thử nghiệm lâm sàng kỹ lưỡng, tem nhãn đầy đủ…
“Ban đầu khách hàng có thể phản ứng vì thấy giá cao, nhưng sau khi sử dụng họ sẽ cảm nhận được sự khác biệt và dần tin tưởng hơn. Đó là kinh nghiệm thực tế của chúng tôi tại Hoà Phượng,” dược sĩ Lê Xuân Hoà chia sẻ với PharmaDi.
Đồng tình với quan điểm này, dược sĩ Trần Thanh Hoàng – chủ chuỗi nhà thuốc Kim Anh cho rằng, việc tìm nguồn hàng thực phẩm chức năng không quá khó, quan trọng là phải tìm được sản phẩm chất lượng. “Chúng tôi luôn dựa trên cơ sở là ý kiến phản hồi của khách hàng và ‘vòng lặp lại’ của khách để đánh giá xem một sản phẩm có tốt hay không, có nên nhập thêm hàng hay không…”, dược sĩ Trần Thanh Hoàng chia sẻ bí quyết.
Cùng với giới kinh doanh nhà thuốc, hiện nay nhiều chuyên gia y tế là bác sĩ và dược sĩ cũng có điều kiện để chia sẻ các thông tin y khoa hữu ích cho cộng đồng, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về các vấn đề sức khoẻ, ví dụ như các kênh mạng xã hội cá nhân, tiến sĩ Ngô Anh Ngọc nêu quan điểm. “Nhờ nhiều điều kiện thuận lợi đó mà thực phẩm chức năng chính hãng top đầu sẽ được biết đến nhiều hơn, thương mại hoá hiệu quả trên kênh trực tuyến, phát triển song song với những dòng sản phẩm chất lượng trong nước”.
Cần tư vấn nâng cao hiệu quả kinh doanh nhà thuốc, chuyển đổi số nhà thuốc, mở nhà thuốc mới… vui lòng liên hệ email info@pharmadi.vn hoặc số điện thoại 0976231023. |