Thẩm định bởi:

Dược sĩ – Thạc sĩ Hoàng Phương Cúc

Co-Founder PharmaDi, Giám đốc PharmaDi Hà Nội

Viêm âm đạo do nấm

Viêm âm đạo do nấm Candida: Triệu chứng, chữa trị và phòng ngừa

Viêm âm đạo có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, nấm Candida là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất. Hãy cùng tìm hiểu về triệu chứng, cách chữa trị và phòng ngừa nấm âm đạo qua bài viết sau!

Nhiễm nấm candida là gì?

Nấm Candida là một chi vi sinh vật có khả năng tồn tại trong cơ thể người. Nấm Candida được tìm thấy chủ yếu ở âm đạo, trong ruột, trong miệng hoặc trên da. Candida albicans là loài phổ biến nhất trong chi họ này.

Khi nấm phát triển một cách mạnh mẽ lấn át các lợi khuẩn, âm đạo sẽ bị nhiễm trùng. Bệnh lý này là một trong những bệnh phụ khoa thường gặp nhất được gọi là nấm âm đạo.

Nấm âm đạo có thể gây ra nhiều triệu chứng ảnh hưởng đến cuộc sống của chị em phụ nữ. Theo thống kê, có đến 75% phụ nữ gặp phải tình trạng nấm ít nhất một lần trong đời. Nếu tình trạng nấm kéo dài, chị em có thể phải đối diện với một vài biến chứng nguy hiểm.

Candida albicans là loại nấm chủ yếu gây bệnh nấm âm đạo
Candida albicans là loại nấm chủ yếu gây bệnh nấm âm đạo

Ai có nguy cơ bị nấm Candida âm đạo

Ở âm đạo khoẻ mạnh, số lượng lợi khuẩn thường bằng hoặc nhiều hơn so với hại khuẩn. Do đó, trạng thái cân bằng của hệ vi sinh được thiết lập. Sự cân bằng này giúp kiểm soát các loài vi sinh gây hại, trong đó có nấm Candida. Lúc này, trong âm đạo vẫn chứa một lượng nhỏ nấm Candida ở thể không hoạt động.

Một vài yếu tố bên trong và ngoài có thể kích thích làm mất cân bằng vi sinh vùng kín. Theo đó, nấm Candida hoặc các hại khuẩn khác sẽ phát triển quá mức dẫn đến nhiễm trùng âm đạo.

Mất cân bằng hệ vi sinh âm đạo làm nấm phát triển là nguyên nhân gây viêm âm đạo
Mất cân bằng hệ vi sinh âm đạo làm nấm phát triển là nguyên nhân gây viêm âm đạo

Loại nấm Candida phổ biến nhất gây ra tình trạng nhiễm trùng này là Candida albicans. Candida albicans là nguyên nhân của 90% trường hợp nhiễm nấm âm đạo ở phụ nữ. Những đối tượng phụ nữ sẽ có nguy cơ bị nấm cao hơn là:

  • Phụ nữ có thai
  • Bệnh nhân bị đái tháo đường (tiểu đường)
  • Đang sử dụng kháng sinh: do kháng sinh có thể tiêu diệt cả vi khuẩn gây hại lẫn lợi khuẩn làm mất cân bằng hệ vi sinh và tạo điều kiện cho nấm phát triển mạnh mẽ.
  • Rối loạn nội tiết tố: thường gặp ở phụ nữ đang dùng thuốc tránh thai.
  • Suy giảm miễn dịch: do đang sử dụng steroid, đang hoá trị, xạ trị hoặc mắc các bệnh như HIV.

Một số yếu tố nguy khác liên quan đến lối sống cũng làm tăng nguy cơ phát triển nấm Candida:

  • Mặc đồ lót và áo quần ẩm ướt
  • Dùng dung dịch vệ sinh hoặc băng vệ sinh gây kích ứng
  • Không lau khô vùng kín, vệ sinh sai cách
Nguy cơ viêm âm đạo do nấm Candida cao hơn ở phụ nữ có thai
Nguy cơ viêm âm đạo do nấm Candida cao hơn ở phụ nữ có thai

Triệu chứng nấm âm đạo

Theo ước tính, có đến 20% phụ nữ bị nấm Candida mà không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào. Triệu chứng nấm âm đạo cũng sẽ thay đổi từ nhẹ đến nặng tuỳ thuộc vào giai đoạn bệnh.

Một số biểu hiện thường thấy nhất khi âm đạo của chị em nhiễm nấm âm đạo là:

  • Tiết dịch âm đạo bất thường: Khí hư màu trắng đục, trắng sữa hoặc ngả vàng, thường đặc và vón cục.
  • Ngứa ngáy, nóng rát và kích ứng âm đạo.
  • Phần âm hộ, âm đạo có thể bị sưng tấy, phù nề.
  • Đau vùng kín, nhất là khi quan hệ hoặc khi đi vệ sinh (tiểu buốt).

Tại Việt Nam, chị em thường khá e ngại khi đến khám phụ khoa. Vì tâm lý này, những dấu hiệu bất thường của nhiễm nấm Candida thường bị bỏ qua.

Nấm âm đạo không phải bệnh lây truyền qua đường tình dục. Tuy nhiên triệu chứng nấm âm đạo tương đối giống các bệnh phụ khoa khác, đặc biệt là các STIs. Do đó, hãy đến gặp bác sĩ ngay khi có các dấu hiệu bất thường nghi ngờ nấm âm đạo để được chẩn đoán và điều trị một cách chính xác nhất.

Khí hư trắng đục, ngứa rát, đau,... là triệu chứng thường gặp khi nhiễm nấm Candida
Khí hư trắng đục, ngứa rát, đau,… là triệu chứng thường gặp khi nhiễm nấm Candida

Chẩn đoán viêm âm đạo do nấm Candida

Khi nào nên đi khám phụ khoa?

Khi xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ nấm Candida, chị em nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Đặc biệt là khi:

  • Các dấu hiệu xuất hiện lần đầu
  • Các dấu hiệu tái đi tái lại nhiều lần
  • Các dấu hiệu xuất hiện ở phụ nữ có thai

Cách chẩn đoán nấm âm đạo

Để chẩn đoán, bác sĩ sẽ tiến hành thăm hỏi các triệu chứng mà chị em đang gặp phải. Đôi khi một số yếu tố như tiền sử bệnh hoặc thuốc đang sử dụng cũng cần được khai thác. 

Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành khám phụ khoa bằng mỏ vịt. Việc khám lâm sàng giúp định hướng tình trạng viêm nhiễm tại âm đạo. Cuối cùng, bác sĩ sẽ chỉ định thêm các xét nghiệm cận lâm sàng góp phần khẳng định chẩn đoán.

  • Soi dịch tiết âm đạo: Dịch được soi trực tiếp dưới kính hiển vi để xác định viêm do nấm.
  • Cấy nấm dịch tiết âm đạo: Giúp tìm ra loại nấm chính xác gây bệnh, từ đó có biện pháp điều trị hiệu quả hơn.
Mẫu dịch tiết âm đạo có thể góp phần chẩn đoán nấm âm đạo
Mẫu dịch tiết âm đạo có thể góp phần chẩn đoán nấm âm đạo

Cách trị nấm Candida

Thuốc kháng nấm là cách điều trị tối ưu đối với những trường hợp viêm âm đạo do nấm Candida. Thông thường, chị em sẽ được bác sĩ kê thuốc dưới 2 dạng:

  • Thuốc tác dụng toàn thân: Dùng viên uống, thường là fluconazole một liều duy nhất.
  • Thuốc tác dụng tại chỗ: Dạng kem bôi hoặc viên đặt chứa nystatin, flucytosine, axit boric thường được dùng phổ biến.

Khi việc điều trị đơn lẻ không làm giảm viêm hoặc tình trạng nấm âm đạo trở nên nặng hơn, chị em có thể hỏi ý kiến bác sĩ để kết hợp cả đường bôi và đường uống. Việc kết hợp này cũng được thực hiện nếu nấm Candida đã tái phát nhiều lần.

Thuốc trị nấm Candida được dùng dưới dạng bôi, đặt hoặc đường uống
Thuốc trị nấm Candida được dùng dưới dạng bôi, đặt hoặc đường uống

Phòng ngừa nhiễm nấm Candida

Viêm âm đạo do nấm candida có thể được phòng ngừa bằng một số biện pháp đơn giản. Tham khảo ngay một số gợi ý:

  • Mặc quần lót chất liệu cotton thoáng khí.
  • Không mặc quần lót và áo quần ẩm ướt.
  • Chỉ dùng thuốc kháng sinh đúng liều theo hướng dẫn của bác sĩ. Không tự ý lạm dụng kháng sinh.
  • Tránh các loại băng vệ sinh, dung dịch vệ sinh hoặc sữa tắm có mùi hương.
  • Không nên thụt rửa âm đạo.
  • Bổ sung lợi khuẩn cho vùng kín giúp cân bằng hệ vi sinh.

Chị em nên thực hiện những biện pháp này mỗi ngày để âm đạo trở nên khỏe mạnh hơn. Từ đó phòng ngừa tốt các bệnh phụ khoa nói chung và viêm âm đạo do nấm candida nói riêng.

Mặc quần lót cotton thoáng khí, khô ráo giúp phòng ngừa nấm âm đạo do Candida
Mặc quần lót cotton thoáng khí, khô ráo giúp phòng ngừa nấm âm đạo do Candida

Viêm âm đạo do nấm Candida rất phổ biến ở nữ giới. Chị em cần phát hiện sớm để có cách điều trị hợp lý, tránh gây ra những biến chứng nguy hiểm. Để chia sẻ kiến thức, hãy chia sẻ những thông tin trên đến những người thân yêu xung quanh nhé!

Xem thêm để hiểu rõ hơn về nấm âm đạo:

5 dấu hiệu nấm âm đạo dễ nhận biết không nên bỏ qua

5 cách chữa nấm âm đạo tại nhà nhanh và hiệu quả

Nguồn tham khảo: CDC, Bộ Y Tế, NHS, Mayo Clinic

    Add to cart