Thẩm định bởi:

Dược sĩ – Tiến sĩ Ngô Anh Ngọc

Co-Founder, CEO PharmaDi

Bán Hàng Thực Phẩm Chức Năng Trên Kênh E Commerce: Ai, Tại Sao, Thế Nào?

Bán hàng thực phẩm chức năng trên kênh E-commerce: Ai, tại sao, thế nào?

Phụ nữ và mẹ & bé là hai nhóm đối tượng phù hợp nhất cho những đơn vị có kế hoạch bán hàng thực phẩm chức năng trên kênh E-commerce (thương mại điện tử) và các kênh online nói chung, theo chia sẻ của dược sĩ – tiến sĩ Ngô Anh Ngọc tại sự kiện “eCom Data Storytelling: Đốt ngân sách hiệu quả cho mùa mua sắm hè 2024”.

Dưới góc độ là một nhà phân phối và hỗ trợ phân tích thị trường cho ngành thực phẩm chức năng, dược sĩ – tiến sĩ Ngô Anh Ngọc – nhà đồng sáng lập và CEO PharmaDi, phân tích sâu về thị trường sản phẩm chăm sóc sức khoẻ. 

Trong đó, CEO PharmaDi mang đến nhiều thông tin hữu ích giúp các chủ nhãn hàng, shop bán hàng, shop mẹ và bé và các đơn vị muốn kinh doanh bán hàng thực phẩm chức năng trên các sàn thương mại điện tử (kênh E-commerce) hay kênh online nói chung có thêm nhiều góc nhìn đa dạng trước khi ra quyết định về chiến lược kinh doanh phù hợp trên thị trường sản phẩm chăm sóc sức khoẻ vốn đa dạng và còn phân mảnh. 

Tổng quan về dùng dữ liệu để phân tích thị trường sản phẩm chăm sóc sức khoẻ 

Chuyển biến trong câu chuyện dữ liệu thị trường của ngành dược

Khi nói đến việc dùng dữ liệu để phân tích thị trường, có một số câu hỏi quan trọng cần được doanh nghiệp, chủ nhãn hàng hay nhà bán hàng trả lời:

          Một là mức độ tiềm năng thị trường hay phân khúc thị trường: dữ liệu này cho thấy mức độ cơ hội để doanh nghiệp có thể tham gia kinh doanh

          Hai là mức độ cạnh tranh hay đối thủ cạnh tranh chính: thực tế cho thấy thị trường dù tiềm năng nhưng nếu đối thủ quá mạnh thì cũng rất khó để thâm nhập

          Ba là hành vi khách hàng hay kênh phân phối: khi đã có cơ hội, có sản phẩm, doanh nghiệp cần phải hiểu về phân khúc khách hàng mục tiêu của mình, để xem với khách hàng mục tiêu đó thì làm cách nào để tìm được kênh phân phối hay cách tiếp cận phù hợp

Trả lời những câu hỏi trên cũng chính là tìm ra lời giải cho chiến lược kinh doanh (Business strategy), chiến lược marketing/kênh phân phối (Marketing strategy) và chiến lược thâm nhập thị trường (Go-to-market strategy) của một nhà bán hàng.

Tuy nhiên thực tế khi đi sâu vào lĩnh vực dược phẩm, sản phẩm chăm sóc sức khỏe hay thực phẩm chức năng nói riêng thì trước khi có công cụ phân tích dữ liệu Metric, các kênh online nhìn chung cũng chưa phát triển mạnh. Do đó, người làm trong ngành dược phẩm rất đau đầu với bài toán thiếu thốn dữ liệu. 

Câu chuyện thiếu dữ liệu đặc biệt xảy ra trên các kênh offline, như kênh bệnh viện và kênh nhà thuốc. Tại Việt Nam, nhà thuốc ở khắp mọi nơi. Một số thống kê cho thấy trên 63 tỉnh thành có đến hơn 80.000 nhà thuốc, thị trường còn đang rất phân mảnh. Do đó, một doanh nghiệp không dễ để có đủ dữ liệu phân tích về tốc độ bán ra của một loại sản phẩm. Cũng có một số bên có thể cung cấp dữ liệu khá đầy đủ trên kênh offline là Fitch Solutions, IQVIA (IMS) và Euromonitor… Tuy nhiên giá cả khá đắt đỏ, từ vài trăm triệu đến vài tỉ đồng. Với mức chi phí đó, thường chỉ có những doanh nghiệp hay tập đoàn lớn mới có thể tiếp cận được thông tin. Ngoài ra cũng có dữ liệu về xuất nhập khẩu hay báo cáo từ các công ty chứng khoán nhưng vẫn còn rất hạn chế. 

Vài năm gần đây, với sự tham gia của Metric cũng như một số sàn thương mại điện tử, nhiều doanh nghiệp và nhà bán hàng đã có thể tiếp cận dữ liệu với mức chi phí hợp lý hơn. Và hơn nữa, với sự phát triển của kênh online, dữ liệu còn có thể được cập nhật với tốc độ thời gian thực. Kênh online là một kênh quan trọng mang tính đại diện của thị trường nói chung, do đó dữ liệu từ kênh này sẽ giúp ích rất nhiều cho các nhà bán hàng hay doanh nghiệp đánh giá hiệu quả cũng như dự báo về chiến lược kinh doanh. 

Tìm hiểu sâu về thị trường chăm sóc sức khoẻ và thực phẩm chức năng nói riêng

Với dược phẩm, tức là thuốc, là ngành kinh doanh có điều kiện nên rất khó để bán hàng online. Cho nên, khi nói đến câu chuyện bán hàng trên thị trường chăm sóc sức khoẻ, chúng ta chủ yếu bàn đến các lĩnh vực như thực phẩm chức năng, dược mỹ phẩm, vật tư y tế… Trong đó, thực phẩm chức năng là ngành hàng có tỉ trọng đóng góp doanh thu lớn nhất trong các ngành hàng ngoài thuốc.

Với sản phẩm thực phẩm chức năng, người tiêu dùng Việt Nam đang có xu hướng tìm hiểu và sử dụng gần giống với hành vi sử dụng dược phẩm. Đó là lý do cho việc thị trường thực phẩm chức năng Việt Nam có thể trị giá vài tỉ USD nhưng kênh bán hàng chính vẫn là kênh nhà thuốc, chiếm khoảng 60%, theo báo cáo của Euromonitor. Bên cạnh đó, kênh bán hàng trực tiếp hay thông qua cộng tác viên (direct selling) chiếm 25%, kênh E-commerce chiếm 10% và đang là kênh tăng trưởng nhanh nhất.

Bán Hàng Thực Phẩm Chức Năng Trên Kênh E Commerce: Ai, Tại Sao, Thế Nào?
Bán Hàng Thực Phẩm Chức Năng Trên Kênh E Commerce: Ai, Tại Sao, Thế Nào?

Nếu so sánh giữa kênh E-commerce và kênh offline (tức là kênh nhà thuốc), thì kênh nhà thuốc phát triển rất mạnh. Ngược về quá khứ, từ những năm 2009-2010, các công ty thực phẩm chức năng như Eco, Nam Dược, Hoa Thiên Phú, Thái Minh… thường chiếm “giờ vàng” quảng cáo trên sóng truyền hình. Có thể thấy, đa số những cái tên trên là công ty thực phẩm chức năng trong nước, tạo ra cuộc cạnh tranh rất sòng phẳng trên thị trường.

Hiện tại, thị trường thực phẩm chức năng ngày càng phát triển mạnh mẽ. Dữ liệu chỉ riêng trên kênh nhà thuốc cho thấy, từ năm 2018 – 2019 đến nay, trong số top 10 công ty chiếm tỉ trọng doanh thu cao nhất trên kênh nhà thuốc có đến 50% là các công ty thực phẩm chức năng. 

Và khác với sự “thống lĩnh” của thực phẩm chức năng nội địa như trước, trong vài năm trở lại đây, thực phẩm chức năng nhập khẩu phát triển tăng dần và nhanh chóng trên kênh nhà thuốc, ngày càng tạo nên chỗ đứng vững chãi. Hiện tại, ước tính thực phẩm chức năng nhập khẩu chiếm khoảng 10% thị phần trên kênh nhà thuốc. Tương tự, khi nhìn các kênh khác như kênh bán hàng trực tiếp hay kênh E-commerce thì các sản phẩm chủ yếu vẫn là thực phẩm chức năng nhập khẩu.

Nhà thuốc phát triển nhanh nhất trong ngành bán lẻ Việt Nam hiện tại

Trong bối cảnh kênh bán hàng lớn nhất cho thực phẩm chức năng nằm ở các nhà thuốc offline, vậy thì làm sao để các các nhãn hàng hay nhà phân phối có thể thâm nhập kênh nhà thuốc? Nhìn chung, kênh nhà thuốc luôn là kênh rất khó tiếp cận cho đa số các đơn vị phân phối thực phẩm chức năng. Điều này tương tự như kênh phân phối truyền thống trong ngành hàng tiêu dùng. Bởi vì thực tế là nhà thuốc hay cửa hàng tạp hóa nằm rải rác khắp mọi nơi trên 63 tỉnh thành Việt Nam. 

Nhìn rộng ra trong ngành bán lẻ, hiện nay, nhà thuốc lại đang là kênh phát triển gần như nhanh nhất. Ví dụ lúc trước, tập đoàn Thế Giới Di Động có chuỗi bán lẻ Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh, sau đó là Bách Hóa Xanh, rồi đến đầu tư vào chuỗi nhà thuốc An Khang. Hay thời gian gần đây, mọi người tập trung chú ý đến sự phát triển của chuỗi nhà thuốc Long Châu. Thực tế doanh thu của chuỗi Long Châu đã vượt qua FPT shop trong mảng FPT Retail và tạo nên đóng góp chính vào sự tăng trưởng của FPT Retail. 

Cho nên có thể nói, bán lẻ dược phẩm là một trong những lĩnh vực bán lẻ tăng trưởng nhanh nhất và không thể phủ nhận. Chỉ mới đây, khoảng trước năm 2019, không ai nghĩ rằng một chuỗi nhà thuốc có thể có hơn 100 cửa hàng. Tuy nhiên, chuỗi nhà thuốc Pharmacity đã tiên phong chứng minh khả năng đạt đến 1.000 cửa hàng. Và Long Châu giờ đây đã vượt qua mốc 1.500 cửa hàng. Sự thay đổi đang diễn ra rất lớn và rất nhanh. Áp lực cạnh tranh cũng vì thế ngày một nhiều hơn. Trước đây, những người làm trong ngành bán lẻ dược phẩm thường rất… “low tech”, không nhiều người quan tâm đến chuyện chuyển đổi số. Nhưng hiện tại, cách tư duy này cũng đang dần thay đổi.

Với quy mô nhà thuốc đa dạng, hiện tại có thể tạm chia kênh nhà thuốc ra làm 4 nhóm. Một là các chuỗi nhà thuốc lớn như Long Châu, Pharmacity, An Khang, Trung Sơn… Hai là chuỗi nhà thuốc nhỏ ở các địa phương như Nhân Hoà, Phương Chính, Vivita, Phước Thiện… Ba là nhà thuốc lẻ lớn (doanh thu từ 300 triệu đồng/tháng trở lên). Và bốn là nhà thuốc lẻ nhỏ (doanh thu dưới 300 triệu đồng/tháng). Hai nhóm đầu chiếm một nửa doanh thu, hai nhóm sau chiếm một nửa doanh thu còn lại của thị trường. 

Tại sao lại là nhóm đối tượng phụ nữ và mẹ & bé?

Với ngành dược phẩm nói chung và thực phẩm chức năng nói riêng thì ngoài nhóm ngành lớn, các nhà kinh doanh cần phân tích thêm các phân nhóm nhỏ hơn. Bởi vì một sản phẩm không thể nào phục vụ cho tất cả các mục tiêu hỗ trợ sức khỏe được. Giống như cơ thể người có các hệ cơ quan như hệ hô hấp, hệ tiêu hóa, hệ cơ xương khớp, hệ thần kinh, hệ sinh lý…, các vấn đề về sức khỏe cũng thường được phân nhóm theo cách này. Tính chất phân mảnh của thị trường liên quan đến dược phẩm hay thực phẩm chức năng đến từ thực tế là một đơn vị gần như không thể nào bao phủ hết tất cả các nhóm vấn đề sức khoẻ. 

Nếu xét về khía cạnh nhóm công dụng, có thể chia thực phẩm chức năng ra làm các loại: thực phẩm chức năng thông thường, thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị, hay thực phẩm chức năng hỗ trợ làm đẹp…

Còn nếu xét về nhóm đối tượng sử dụng thực phẩm chức năng nhiều nhất, thường sẽ có 3 nhóm chính. 

  • Một là nhóm phụ nữ, với nhu cầu liên quan đến làm đẹp, sinh lý, phụ khoa… 
  • Hai là nhóm liên quan đến mẹ và bé, tức là mẹ bầu và trẻ em, có nhu cầu về vitamin và khoáng chất giúp tăng chiều cao, phát triển trí não, tăng sức đề kháng… 
  • Ba là nhóm người cao tuổi – đối tượng có sự suy giảm chức năng của các cơ quan, thường mất khá nhiều bệnh liên quan đến cơ xương khớp, hệ hô hấp, tiểu đường… 

Chọn đúng sản phẩm để bán hàng thực phẩm chức năng hiệu quả

Chọn sản phẩm theo nhóm công dụng

Mặc dù có sự hiện diện của các tên tuổi lớn như Eco, Traphaco… nhưng thực ra thị trường thực phẩm chức năng trên kênh nhà thuốc cũng đang rất phân mảnh. Những cái tên lớn nhất thị trường cũng chỉ chiếm khoảng 5% thị phần trên kênh nhà thuốc. Đó là lý do tại sao một nhà thuốc phải làm việc với rất nhiều nhà cung cấp. Và khi thị trường phát triển nóng, việc lựa chọn đúng sản phẩm chất lượng để kinh doanh cũng là một bài toán khó.

Nhà bán hàng có thể thử đi sâu chi tiết vào một nhóm công dụng để thấy được những sản phẩm nào hay nhà bán hàng nào sẽ là đối thủ cạnh tranh của mình. Chẳng hạn như với nhóm công dụng cơ xương khớp hay nhóm bổ não, thống lĩnh thị trường đang là các cái tên như Eco hay Nhất Nhất.

Bán Hàng Thực Phẩm Chức Năng Trên Kênh E Commerce: Ai, Tại Sao, Thế Nào?

Dưới góc độ phân tích và tư vấn, thị trường các sản phẩm liên quan đến nhóm bổ não sẽ không quá tiềm năng thâm nhập. Bởi vì các “ông lớn” chiếm tỉ trọng quá nhiều, và các sản phẩm cũng ở biên độ giá thấp. Còn nhóm cơ xương khớp thì thuận lợi hơn. Mặc dù có một số sản phẩm của các “ông lớn” như Jex, Khương Thảo Đan… nhưng trong vòng 3 đến 5 năm trở lại đây, vẫn có những thương hiệu mới thành công. Nghĩa là vẫn có cơ hội cho những tay chơi mới, có thể không chiếm được vị trí số 1 nhưng vị trí số 2 hay số 3 trên thị trường vẫn ổn. Hơn nữa, phân khúc giá của nhóm này cũng khá cao, thường là 600.000 VND đến 700.000 VND/tháng.

Chọn sản phẩm thực phẩm chức năng chính hãng để đảm bảo chất lượng

Trước đây, khi thị trường thực phẩm chức năng chưa chín muồi tại Việt Nam, thị trường thực phẩm chức năng nhập khẩu chủ yếu là sản phẩm hàng xách tay từ nước ngoài về. Chưa có nhiều đơn vị thực sự mong muốn thương thảo trực tiếp với thương hiệu hoặc nhà cung cấp ở nước ngoài để trở thành nhà phân phối độc quyền hay nhà phân phối chính hãng ở Việt Nam. 

Còn hiện nay thì hoàn toàn ngược lại, rất nhiều đơn vị đã đưa thương hiệu chính hãng về. Chính xu hướng này cũng đã làm gia tăng tỉ lệ các shop chính hãng (shop mall) trên các sàn thương mại điện tử. Và chính các sàn cũng khuyến khích sự gia tăng tỉ lệ các shop mall trên sàn của mình, nhằm đảm bảo uy tín và chất lượng sản phẩm.

Nhìn vào top các thương hiệu thực phẩm chức năng chính hãng top đầu, đa số là các thương hiệu nhập khẩu nước ngoài, như thực phẩm chức năng Nhật, thực phẩm chức năng Úc, thực phẩm chức năng Mỹ và thực phẩm chức năng từ châu Âu… Dẫn đầu là DHC, Blackmores, Healthy Care

Chọn đúng sản phẩm để bán hàng trên kênh nhà thuốc

Trong ngành thực phẩm chức năng, thực ra mức giá cho một đơn vị sản phẩm chỉ là một phần tham khảo. Vì đặc thù thường là viên uống có thể dùng đi dùng lại, mọi người trong ngành thực phẩm chức năng thường so sánh phân khúc giá bằng cách quy ra mức chi phí sử dụng mỗi tháng (hoặc mỗi ngày). 3 phân khúc giá chính bao gồm:

  • Phân khúc thực phẩm chức năng giá cao: chi phí sử dụng từ 900.000 VND/tháng trở lên
  • Phân khúc thực phẩm chức năng giá trung bình: 300.000 – 900.000 VND/tháng
  • Phân khúc thực phẩm chức năng giá thấp: dưới 300.000 VND/tháng

Dữ liệu về top sản phẩm có doanh thu cao nhất trên kênh nhà thuốc cho thấy, các sản phẩm này thường rơi vào phân khúc ở giữa, tức là mức giá trung bình. Nghĩa là, người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng trả tiền cho những thực phẩm chức năng chất lượng và có mức giá hợp lý.

Chọn đúng sản phẩm để bán hàng trên kênh online

Dữ liệu của Metric cho thấy rất nhiều góc nhìn thú vị về thị trường thực phẩm chức năng trên kênh online. Nhìn chung, dù thị trường sản phẩm chăm sóc sức khỏe không tăng trưởng nhiều nhưng riêng thị trường thực phẩm chức năng thì lại có sự bùng nổ trong thời gian gần đây.

Thực ra, các sàn thương mại điện tử thực ra chưa phục vụ nhiều cho ngành thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, sự ra đời của TikTok Shop đã giúp ích đáng kể cho sự phát triển của thị trường thực phẩm chức năng. Lý do là vì TikTok Shop đã đưa được một lớp chuyên gia y tế lên kênh online, đặc biệt là các bác sĩ. Trên TikTok Shop, có những ngày diễn ra các sự kiện lớn như “Mega Livestream” của những KOL nổi tiếng trong lĩnh vực phân phối thực phẩm chức năng có thể mang về doanh thu từ 4 – 6 tỉ VND/ngày. Qua đó, việc thương mại hóa các thực phẩm chức năng nhập khẩu cũng đã được thúc đẩy đáng kể bởi giới bác sĩ – những người rất chuộng thực phẩm chức năng nhập khẩu chính hãng. Xu hướng chuyên gia y tế làm KOL này đặc biệt phù hợp với ngành hàng cần tư vấn như thực phẩm chức năng.

Và khi TikTok Shop lan tỏa tín hiệu tốt về bán hàng thực phẩm chức năng, kéo theo sẽ là sự phát triển của các sàn thương mại điện tử. Nhưng một phản ứng dây chuyền, khi kênh online phát triển thì kênh offline cũng sẽ phát triển theo. Và cuối cùng, khi mà sản phẩm đã có được độ nhận diện tốt thì việc kinh doanh trên mọi kênh cũng sẽ ngày càng thuận lợi.

Bán Hàng Thực Phẩm Chức Năng Trên Kênh E Commerce: Ai, Tại Sao, Thế Nào?

Nhìn vào dữ liệu tháng 9/2022, doanh số thực phẩm chức năng online trên các sàn thương mại điện tử lớn là Shopee, Lazada, Tiki và Sendo là hơn 2.729 tỉ VND. Đến tháng 3/2024, con số đã tăng lên thành 4.190 tỉ VND. Nghĩa là, tổng doanh thu đã tăng đến 54% chỉ trong vòng một năm rưỡi.

Mặt khác, chỉ riêng TikTok Shop cũng đã đạt mức doanh số gần 1.900 tỉ VND trong ngành hàng sức khoẻ. Và thực phẩm chức năng có thể xem như chiếm khoảng 50% của tổng ngành hàng sức khoẻ (tương đương 940 tỉ VND). Ngoài ra ngành sức khoẻ còn có sản phẩm khẩu trang được bán rất tốt. Cho nên, cộng cả thực phẩm chức năng và khẩu trang lại thì trong vòng một năm rưỡi qua, mức độ tăng trưởng doanh số của cả hai nhóm thực phẩm chức năng và khẩu trang lên đến 90% – một mức độ tăng trưởng kinh khủng và đang diễn ra ngày càng nhanh.

Xét về mức giá bán thực phẩm chức năng trên kênh online, dữ liệu cho thấy cũng không có nhiều khác biệt so với kênh offline. Phân khúc giá chiếm tỉ trọng cao nhất vẫn ở mức trung bình, từ khoảng 200.000 VND – 1.000.000 VND (tương đương mức phổ biến trên kênh offline là 300.000 VND – 900.000 VND).

Chọn sản phẩm phù hợp với sàn thương mại điện tử hoặc kênh online

Khi muốn xác định một sản phẩm có đủ mức độ cạnh tranh hay không, cần xác định xem một sàn trên kênh online sẽ hợp với nhóm công dụng nào hay nhóm đối tượng nào. Như đã nói, dưới góc độ là một nhà phân phối và một công ty hỗ trợ phân tích thị trường cho ngành thực phẩm chức năng, chúng tôi nhận thấy kênh online rất phù hợp cho nhóm đối tượng phụ nữ (với các nhóm sản phẩm như collagen hay các sản phẩm về giảm cân) và nhóm mẹ bầu và em bé. Với riêng nhóm thực phẩm chức năng liên quan đến hỗ trợ điều trị thì offline vẫn là kênh chính, nhưng online cũng sẽ đóng vai trò phục vụ cho việc marketing ban đầu, để từ độ nhận diện trên kênh online sẽ lan toả sang kênh offline.

Ví dụ trong trường hợp dùng dữ liệu của Metric để phân tích thương hiệu Blackmores – một thương hiệu thực phẩm chức năng số 1 của Úc, chúng ta sẽ nhìn thấy được quy mô thị trường cũng như quy mô doanh thu. Cụ thể là gần 114 tỉ VND trên 4 sàn Shopee, Lazada, Tiki và Sendo. Trong đó, chỉ riêng kênh chính là Shopee đã mang về 88 tỉ VND. Hai ngành hàng mà Blackmores hiện diện là Sức khoẻ và Mẹ & Bé. Với các sản phẩm như tinh dầu hoa anh thảo, dầu cá, sữa…

Bán Hàng Thực Phẩm Chức Năng Trên Kênh E Commerce: Ai, Tại Sao, Thế Nào?

Nhìn vào dữ liệu phân khúc giá phổ biến, các con số cũng tương tự phân khúc chung, từ 200.000 VND đến 1.000.000 VND. Cho nên, nếu một nhà bán muốn kinh doanh thương hiệu Blackmores hoặc muốn có sản phẩm cạnh tranh, cần xem xét phân khúc giá phù hợp. Và khi nhìn vào top kiểu shop có doanh số cao nhất bán hàng Blackmores, tỉ trọng shop chính hãng chỉ chiếm khoảng 25%, cho thấy shop chính hãng chưa kiểm soát nhiều. Các shop thường vẫn chiếm tỉ trọng lớn về doanh số. Nghĩa là thị trường vẫn còn khá phân mảnh. Các thông tin này cho thấy nhà bán hàng cần quan tâm về câu chuyện mức giá, sao cho có thể thuyết phục được người tiêu dùng. Nếu tập trung kiểm soát tốt mức giá ngay từ đầu, sau này nhà bán hàng sẽ kiểm soát được thị trường tốt hơn.

Bán Hàng Thực Phẩm Chức Năng Trên Kênh E Commerce: Ai, Tại Sao, Thế Nào?

Một dữ liệu hữu ích nữa cần phân tích là những sản phẩm top đầu. Chẳng hạn với Blackmores, Dữ liệu của Metric cho thấy top đầu sản phẩm là dành cho phụ nữ, như tinh dầu hoa anh thảo tốt cho sinh lý nữ. Với ngành thực phẩm chức năng, yếu tố thành phần và nguồn gốc thành phần đặc biệt quan trọng. 

Cho nên, sau khi nhìn vào dữ liệu sản phẩm rồi, nhà bán hàng nên nhìn vào dữ liệu thành phần, để nghiên cứu xem thị trường cho một loại thành phần đang ở mức nào, kỳ vọng phát triển ra sao? Ví dụ, doanh số bán sản phẩm có thành phần tinh dầu hoa anh thảo trên kênh online đang là 42 tỉ VND, chủ yếu vẫn là hàng nhập khẩu, phân khúc giá từ 200.000 VND đến 1.000.000 VND. Nếu một nhà bán muốn đưa tinh dầu hoa anh thảo vào kinh doanh online, những dữ liệu này sẽ giúp họ biết được phân khúc giá phù hợp để chọn lựa.

Bên cạnh đó là thông tin về tình hình kinh doanh của những sản phẩm cạnh tranh khác. Với thành phần tinh dầu hoa anh thảo, Blackmores đang chiếm thị phần chính trên kênh online, nhưng vẫn có sự cạnh tranh của các thương hiệu khác như Puritan hay Holland Barrett… Khi nhìn vào top những shop hàng đầu kinh doanh các sản phẩm từ thương hiệu khác, chủ nhãn hàng hay shop bán hàng cũng sẽ đánh giá tốt hơn về cơ hội kinh doanh của mình.

Tóm lại, nếu biết cách tận dụng tốt dữ liệu để kinh doanh bán hàng thực phẩm chức năng nói riêng và các sản phẩm chăm sóc sức khoẻ nói chung, doanh nghiệp, chủ nhãn hàng và mọi nhà bán hàng đều sẽ tối ưu được hiệu quả kinh doanh trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào về chiến lược kinh doanh, chiến lược marketing/kênh phân phối hay chiến lược thâm nhập thị trường.

Cần tư vấn về bán hàng thực phẩm chức năng chính hãng và thị trường sản phẩm chăm sóc sức khoẻ nói chung, vui lòng liên hệ email info@pharmadi.vn hoặc số điện thoại 0976231023.

    Đăng ký nhận nội dung hữu ích

    Sản phẩm liên quan

    X
    Add to cart