Thẩm định bởi:

Dược sĩ – Thạc sĩ Hoàng Phương Cúc

Co-Founder PharmaDi, Giám đốc PharmaDi Hà Nội

9 bệnh phụ khoa thường gặp và dấu hiệu nhận biết

Theo thống kê từ Bộ Y tế, có đến 90% phụ nữ Việt Nam mắc bệnh phụ khoa, phổ biến nhất là viêm âm đạo. Bệnh phụ khoa gây ra nhiều biểu hiện khó chịu và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe chị em phụ nữ. Hãy cùng tìm hiểu về 9 bệnh phụ khoa thường gặp nhất và một số dấu hiệu để nhận biết tình trạng này nhé!

Bệnh phụ khoa là gì?

Phụ khoa là từ thường dùng để chỉ các bộ phận thuộc cơ quan sinh dục nữ, chẳng hạn như: âm hộ, âm đạo, ống dẫn trứng, buồng trứng, vòi trứng, tử cung, cổ tử cung,…

Đây là những bộ phận nhạy cảm và rất dễ bị tác động bởi nhiều yếu tố khác nhau gây ra những bệnh lý gọi là bệnh phụ khoa. Trong đó phổ biến nhất là viêm phụ khoa.

Theo số liệu từ Bộ Y tế, mỗi năm có hơn 8 triệu lượt đến khám phụ khoa. Trong đó 3 triệu người phải tiếp nhận điều trị. Số ca mắc bệnh phụ khoa có thể tăng đến 15-27% mỗi năm và trải rộng trên nhiều đối tượng khác nhau, kể cả bé gái vị thành niên, phụ nữ trong độ tuổi lập gia đình hay phụ nữ đã đến tuổi mãn kinh.

Bệnh phụ khoa là những bệnh liên quan đến âm đạo, tử cung, buồng trứng,...
Bệnh phụ khoa là những bệnh liên quan đến âm đạo, tử cung, buồng trứng,…

9 bệnh phụ khoa thường gặp

Có hàng trăm bệnh phụ khoa khác nhau được ghi nhận ở phụ nữ. Tuy nhiên, những bệnh phụ khoa liên quan đến viêm nhiễm thường được ghi nhận nhiều nhất.

1. Viêm âm đạo

Viêm âm đạo là tình trạng viêm nhiễm vùng kín cực kỳ phổ biến. Hai loại viêm âm đạo thường gặp nhất là viêm do vi khuẩn (BV) và nấm âm đạo.

Viêm nhiễm thường xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tổn thương niêm mạc. Lúc này, hệ vi sinh tại âm đạo bị mất cân bằng do các hại khuẩn phát triển quá mức. Những nguy cơ khác có thể kể đến là mặc quần lót quá chật, dùng xà phòng gây kích ứng,…

Khi bị viêm, âm đạo sẽ biểu hiện những dấu hiệu bất thường như sưng tấy, tăng tiết khí hư, ngứa ngáy,…

Điều trị viêm âm đạo hiện nay chủ yếu phụ thuộc vào thuốc kháng sinh. Kháng sinh có thể dùng dưới dạng uống, dạng đặt, dạng kem bôi,… Tuy nhiên, kháng sinh không được dùng đúng cách sẽ làm tình trạng viêm âm đạo trở nên nặng hơn.

Viêm âm đạo là bệnh phụ khoa phổ biến nhất
Viêm âm đạo là bệnh phụ khoa phổ biến nhất

2. Viêm lộ tuyến cổ tử cung

Viêm lộ tuyến cổ tử cung là bệnh liên quan đến các tế bào tuyến tại phần ống cổ tử cung. Khi các tế bào này phát triển quá mức và xâm lấn ra ngoài, cổ tử cung sẽ bị tổn thương. 

Bệnh thường được chia thành 3 cấp độ khác nhau tùy thuộc vào vị trí và mức độ tổn thương. Dấu hiệu nhận biết cũng sẽ khác nhau ở mỗi cấp độ.

Ở một số bé gái, viêm lộ tuyến cổ tử cung là bệnh lý bẩm sinh. Tuy nhiên, đa số trường hợp đều xuất hiện ở những phụ nữ đã từng quan hệ hoặc sinh con. Nguyên nhân chủ yếu thường là:

  • Quan hệ tình dục bừa bãi, không an toàn
  • Vệ sinh vùng kín sai cách
  • Rối loạn nội tiết tố trong cơ thể
  • Mắc các bệnh phụ khoa hoặc viêm nhiễm khác

Về cơ bản, viêm lộ tuyến cổ tử cung được xem là một tổn thương lành tính. Tuy nhiên, chị em vẫn cần sớm nhận biết để có phương án điều trị phù hợp. Viêm lộ tuyến không được điều trị có thể ảnh hưởng đến sinh sản và tăng nguy cơ ung thư.

Viêm lộ tuyến cổ tử cung thường xuất hiện ở phụ nữ đã quan hệ hoặc sinh con
Viêm lộ tuyến cổ tử cung thường xuất hiện ở phụ nữ đã quan hệ hoặc sinh con

3. Viêm phụ khoa khác

Không chỉ âm đạo và lộ tuyến, các bộ phận sinh dục khác cũng có khả năng bị viêm nhiễm. Những vị trí viêm nhiễm thường gặp là âm hộ, cổ tử cung, tử cung, buồng trứng…

  • Viêm âm hộ: Âm hộ là phần bên ngoài của hệ thống sinh dục ở nữ giới. Vì có vị trí gần niệu đạo và hậu môn nên âm hộ rất dễ bị viêm nhiễm. 
  • Viêm phần phụ: Phần phụ bao gồm những bộ phận như vòi trứng, dây chằng buồng trứng, dây chằng tử cung… Viêm phần phụ làm ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng của cơ quan sinh sản.
  • Viêm cổ tử cung: Khi các tế bào niêm mạc cổ tử cung chịu sự kích thích, chúng sẽ trở nên sưng tấy. Từ đó gây ra cảm giác ngứa ngáy, đau rát, thậm chí mưng mủ.
  • Viêm vùng chậu (PID): là từ chung chỉ tình trạng viêm nhiễm tại các bộ phận sinh dục nằm phía trên. Chẳng hạn như cổ tử cung, tử cung, vòi trứng và buồng trứng.

Viêm phụ khoa là một vấn đề sức khỏe cực kỳ phổ biến. Không chỉ ảnh hưởng đến phụ nữ Việt mà còn là nỗi lo lắng của phụ nữ toàn thế giới. Khi bị viêm phụ khoa, chị em nên đến thăm khám và điều trị tại Khoa Sản của các bệnh viện.

Viêm phụ khoa là từ chỉ chung tình trạng viêm tại buồng trứng, tử cung, âm hộ,...
Viêm phụ khoa là từ chỉ chung tình trạng viêm tại buồng trứng, tử cung, âm hộ,…

4. Buồng trứng đa nang

Buồng trứng đa nang là một bệnh phụ khoa tương đối phổ biến ở chị em phụ nữ. Đặc biệt là chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, từ khoảng 15 – 45 tuổi.

Bệnh xảy ra khi nhiều nang trứng cùng phát triển trong buồng trứng nhưng không chứa trứng. Ở một số người, trong nang vẫn có trứng nhưng trứng không phát triển. Theo đó, trứng cũng không thể ra khỏi nang và phóng noãn. Hiện tượng này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ.

Buồng trứng đa nang liên quan mật thiết đến sự rối loạn nội tiết tố trong cơ thể. Do đó thường gây ra các biểu hiện liên quan đến:

  • Rối loạn kinh nguyệt
  • Tăng tiết testosterone
  • Rậm lông
  • Ảnh hưởng sinh sản, hiếm muộn, vô sinh
  • Dễ nổi mụn

Tuy nhiên các dấu hiệu này thường khó phát hiện hoặc dễ bị nhầm lẫn. Do đó, chị em cần chủ động thăm khám định kỳ để sớm phát hiện và điều trị.

Buồng trứng đa nang là bệnh phụ khoa phổ biến liên quan đến hormone nữ
Buồng trứng đa nang là bệnh phụ khoa phổ biến liên quan đến hormone nữ

5. U xơ tử cung

U xơ tử cung là bệnh phụ khoa do tăng sinh tế bào cơ trơn tạo thành khối u lành tính. Đây là loại khối u lành tính phổ biến nhất tại vùng chậu.

Bệnh thường gặp chủ yếu ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Tuy không rõ nguyên nhân nhưng u xơ tử cung thường liên quan đến nội tiết tố trong cơ thể.

Đa số những bệnh nhân mắc u xơ tử cung đều ít có biểu hiện rõ ràng. Một số chị em có thể sẽ gặp tình trạng chảy máu âm đạo. Đôi khi, khối u phát triển đè lên cơ quan lân cận và ảnh hưởng đến tiêu hoá – tiết niệu. U xơ tử cung cũng có thể tác động đến khả năng sinh sản và gây hiếm muộn, vô sinh.

Phần lớn trường hợp u xơ tử cung không có triệu chứng thì không cần điều trị. Tuy nhiên chị em vẫn cần theo dõi chặt chẽ theo lịch của bác sĩ để phòng ngừa biến chứng.

U xơ tử cung là khối u phụ khoa lành tính thường gặp ở phụ nữ độ tuổi sinh sản
U xơ tử cung là khối u phụ khoa lành tính thường gặp ở phụ nữ độ tuổi sinh sản

6. Lạc nội mạc tử cung

Nội mạc tử cung là lớp niêm mạc lót bên trong của tử cung. Nếu không thụ thai, lớp niêm mạc này sẽ phát triển và bong ra mỗi kỳ kinh nguyệt. Chính sự bong niêm mạc này gây ra tình trạng chảy máu.

Lạc nội mạc tử cung cũng là một bệnh phụ khoa phổ biến gây nhiều ảnh hưởng đến chị em. Tình trạng này xảy ra khi các tế bào nội mạc (mô niêm mạc) bị lạc chỗ và phát triển bên ngoài buồng tử cung, thường là tại các cơ quan lân cận ở vùng chậu – khoang bụng.

Các khối này có đặc điểm tương tự nội mạc tử cung, có thể sưng lên và chảy máu. Những triệu chứng kinh điển thường gặp là ra máu nhiều, đau và gây vô sinh. Tuỳ thuộc vào vị trí mà khối tế bào phát triển, nó có thể gây thêm triệu chứng khác.

Các tế bào niêm mạc đi lạc khỏi buồng tử cung gây ra bệnh lạc nội mạc tử cung
Các tế bào niêm mạc đi lạc khỏi buồng tử cung gây ra bệnh lạc nội mạc tử cung

7. Nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục

Các nhiễm trùng lây qua đường tình dục (Sexually transmitted infections – STI) là sự lây nhiễm mầm bệnh qua đường máu, dịch âm đạo, tinh dịch và các dịch tiết khác, kể cả trường hợp quan hệ bằng miệng và đường hậu môn.

Đây là một bệnh phụ khoa phổ biến ở phụ nữ và thường có xu hướng nghiêm trọng. Có nhiều tác nhân gây nhiễm trùng qua đường tình dục. Hay gặp nhất là vi khuẩn, virus và ký sinh trùng.

Một số STI do vi khuẩn gây ra là:

  • Giang mai 
  • Nhiễm Chlamydia
  • Lậu
  • Nhiễm Mycoplasma

Một số STI do virus gây ra là:

  • Mụn cóc sinh dục
  • Herpes sinh dục
  • HIV

Một số STI do ký sinh trùng gây ra là:

  • Nhiễm Trichomonas
  • Ghẻ

Tuỳ vào các tác nhân khác nhau, STI sẽ có các dấu hiệu, mức độ và cách điều trị tương ứng.

Vi khuẩn, virus, ký sinh trùng là nguyên nhân phổ biến gây ra các STIs
Vi khuẩn, virus, ký sinh trùng là nguyên nhân phổ biến gây ra các STIs

Dấu hiệu bệnh phụ khoa

Các bệnh phụ khoa thường tiến triển âm thầm, khó nhận biết và dễ bị bỏ qua do tâm lý chủ quan hoặc ngại ngùng khi nhắc đến vấn đề nhạy cảm. Tuy nhiên, chị em cần đặc biệt quan tâm đến sự thay đổi của cơ thể để nhận biết sớm các rối loạn phụ khoa.

Một số dấu hiệu mà chị em nên quan tâm đến là:

  • Rối loạn kinh nguyệt: Kinh nguyệt không đều, đến quá sớm, quá muộn hoặc quá dài, quá ngắn,…
  • Ra khí hư bất thường: Khí hư có mùi hôi khó chịu, màu sẫm, đổi màu vàng hoặc xanh. Khí hư bị vón cục, lẫn bọt hoặc lẫn máu.
  • Chảy máu âm đạo: Xuất hiện những đốm máu bất thường hoặc chảy máu ồ ạt. Đôi khi, tình trạng chảy máu âm đạo do bệnh lý xuất hiện cùng chu kỳ kinh nguyệt nên rất khó để nhận biết.
  • Đau rát vùng kín: Sự tổn thương niêm mạc tại các bộ phận phụ khoa sẽ gây ra tình trạng đau rát. Đây là triệu chứng rất hay xảy ra ở nhiều bệnh lý phụ khoa.
  • Đau bụng, đau vùng chậu: Bên cạnh đau vùng kín, bệnh phụ khoa còn khiến chị em cảm thấy đau vùng chậu hoặc đau bụng. Cơn đau thường xuất hiện ở vùng bụng dưới và dễ bị nhầm lẫn với đau bụng do kinh nguyệt.
  • Tiểu buốt, tiểu rắt: Do hệ sinh dục và tiết niệu gần nhau nên các bệnh phụ khoa dễ ảnh hưởng đến tiết niệu. Từ đó gây ra những triệu chứng như tiểu rắt, tiểu buốt hoặc đôi khi tiểu ra máu.

Mỗi bệnh phụ khoa sẽ có rất nhiều triệu chứng khác nhau. Ngoài những triệu chứng kể trên, chị em cũng nên lưu tâm đến các dấu hiệu bất thường khác. Bởi việc phát hiện sớm là vô cùng quan trọng để bệnh phụ khoa được khám chữa kịp thời, tránh việc để lại những biến chứng nguy hiểm.

Rối loạn kinh nguyệt, đau bụng kinh, chảy máu,... là dấu hiệu của bệnh phụ khoa
Rối loạn kinh nguyệt, đau bụng kinh, chảy máu,… là dấu hiệu của bệnh phụ khoa

Có rất nhiều bệnh phụ khoa mà chị em có thể gặp phải trong mọi thời điểm của cuộc đời. Chị em cần nhận biết sớm các bệnh lý này để có biện pháp điều trị và phòng ngừa hợp lý. Hãy chia sẻ bài viết này cho những người xung quanh để cùng biết thêm thông tin nhé!

Nguồn tham khảo: Bộ Y tế, MSD Manual, CDC Global Health Center.

    Đăng ký nhận nội dung hữu ích

    Sản phẩm liên quan

    X
    Add to cart