Thẩm định bởi:

Dược sĩ – Thạc sĩ Hoàng Phương Cúc

Co-Founder PharmaDi, Giám đốc PharmaDi Hà Nội

Nhiễm Khuẩn Tiết Niệu Và Những điều Lưu ý

Nhiễm khuẩn tiết niệu và những điều lưu ý

Nhiễm khuẩn tiết niệu là tình trạng nhiễm khuẩn xảy ra rất phổ biến trong cộng đồng, đặc biệt là ở nữ giới. Bệnh lý này đa số là cấp tính và thường đáp ứng tốt với điều trị. Tuy nhiên nó lại rất dễ tái phát và đôi khi có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Trong bài viết này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu sâu hơn về nhiễm khuẩn tiết niệu cũng như cách xử lý và phòng tránh tình trạng này nhé!

1. Thực trạng

Tỷ lệ nhiễm khuẩn tiết  niệu ở phụ nữ cao gấp 50 lần so với nam giới. Trung bình có đến 50 – 60% nữ giới trưởng thành mắc nhiễm khuẩn tiết niệu ít nhất một lần trong đời. Nguy cơ nhiễm khuẩn này tăng dần theo độ tuổi, liên quan đến mang thai, tình trạng suy giảm khả năng miễn dịch và các can thiệp y tế trên đường tiết niệu (Ví dụ: đặt sonde tiểu). Tỷ lệ bệnh lý này ở nữ giới trên 65 tuổi cao gấp đôi so với trung bình. Ở phụ nữ trẻ, quan hệ tình dục là nguy cơ chính dẫn đến nhiễm khuẩn tiết niệu. Bệnh lý này phổ biến nhất là nhiễm khuẩn đường tiểu thấp và tình trạng này thường hay tái phát trong vòng 6 tháng.

2. Tổng quan

Nhiễm khuẩn tiết niệu là một thuật ngữ y học diễn tả tình trạng đáp ứng viêm của niêm mạc đường tiết niệu đối với các tác nhân như vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng,… Thường phân loại theo vị trí giải phẫu bao gồm: nhiễm khuẩn niệu cao (thận – bể thận) và nhiễm khuẩn niệu thấp (bàng quang, niệu đạo và tiền liệt tuyến). Tuy nhiên, thuật ngữ này thường được sử dụng để nói về bệnh lý viêm thận – bể thận và viêm bàng quang.

Nhiễm Khuẩn Tiết Niệu Và Những điều Lưu ý
Nhiễm khuẩn tiết niệu thường được gọi theo vị trí bị nhiễm khuẩn trên đường tiết niệu

3. Nguyên nhân

Vi khuẩn là nguyên nhân chủ yếu gây nhiễm khuẩn tiết niệu, bên cạnh các tác nhân khác như nấm, ký sinh trùng, virus,…chiếm tỉ lệ thấp. Nghiên cứu về nguyên nhân nhiễm khuẩn tiết niệu ghi nhận được một số tác nhân phổ biến như sau: E.coli (chiếm tỷ lệ 65%), Enterococcus spp (chiếm tỷ lệ 11%), K.pneumoniae (chiếm tỷ lệ 8%),Candida spp (chiếm tỷ lệ 7%),…

4. Dấu hiệu

Biểu hiện nhiễm khuẩn này rất đa dạng, tùy thuộc vị trí tổn thương mà có những triệu chứng khác nhau. 

Viêm niệu đạo thường gây tiểu đau, tiểu buốt hoặc nóng rát khi đi tiểu. Ở nam giới biểu hiện chủ yếu là chảy mủ hay chảy dịch từ niệu đạo. Mủ có màu vàng hoặc màu xanh, lượng nhiều là dấu hiệu của nhiễm khuẩn niệu do lậu – một tác nhân gây bệnh lây lan qua đường tình dục.

Viêm bàng quang dấu hiệu đặc trưng là tiểu gấp và tiểu lắt nhắt với lượng ít, đau khi đi tiểu, cảm giác không hết nước tiểu. Nước tiểu có thể không khác gì so với bình thường lúc ban đầu, sau đó chuyển sang có màu đục như mủ hay có máu trong nước tiểu là dấu hiệu diễn tiến nặng. Đôi khi kèm theo sốt nhẹ và cảm giác đau trên khớp mu, đau thắt lưng. Viêm bàng quang có thể dẫn đến nhiễm trùng ngược dòng, gây nên viêm đài bể thận. Viêm bàng quang kèm theo sốt cao, sốt trên 3 ngày là dấu hiệu gợi ý bệnh biến biến xấu.

Nhiễm Khuẩn Tiết Niệu Và Những điều Lưu ý
Tiểu đau và tiểu lắt nhắt là biểu hiện thường gặp trong nhiễm khuẩn tiết niệu

Viêm đài bể thận thường ít gặp hơn so với các tình trạng nhiễm trùng tiết niệu khác. Tuy nhiên, đây là một bệnh cảnh nguy hiểm, cần được thăm khám và điều trị chuyên khoa. Triệu chứng viêm đài bể thận có thể tương tự như khi viêm bàng quang và thường kèm theo sốt, đau vùng hông lưng và đau quặn bụng. Đau nhiều khi sờ hay ấn vùng hông lưng và với những người gầy có thể sờ được khối thận to bất thường. Viêm đài bể thận có thể dẫn đến biến chứng nặng nề như suy thận và nhiễm khuẩn huyết đe doạ tính mạng.

5. Cách xử lý

Trong thời gian bị nhiễm trùng tiết niệu cần nên uống nhiều nước nhằm đảm bảo lượng nước tiểu hơn 1500 mL/ngày trừ trường hợp tắc nghẽn cả hai thận.

Không được nhịn tiểu quá 6 giờ.

Giữ vệ sinh vùng kín, rửa bằng nước sạch và lau khô vùng kín sau mỗi lần đi vệ sinh và sau khi quan hệ tình dục. Nên sử dụng dung dịch vệ sinh vùng kín phù hợp tối thiểu một lần mỗi ngày. Tuy nhiên, không nên dùng dung dịch vệ sinh để làm sạch ở tất cả mọi lần đi vệ sinh. 

Sử dụng kháng sinh phù hợp. Hầu hết các trường hợp do tác nhân là vi khuẩn cải thiện triệu chứng sau khi sử dụng kháng sinh 1 – 2 ngày. Trong trường hợp do nhiễm nấm hoặc ký sinh trùng thì việc điều trị kháng sinh sẽ không có hiệu quả. Đối với trường hợp viêm bàng quang, viêm niệu đạo kéo dài hay nghi ngờ viêm đài bể thận nên tư vấn người bệnh đi khám bác sĩ. Đôi khi cần phải can thiệp bằng phẫu thuật để giải quyết tình trạng nhiễm khuẩn do tắc nghẽn hay có bất thường cấu trúc đường tiết niệu, dẫn lưu ổ mủ trong viêm đài bể thận,…

6. Phòng ngừa

Nhiễm khuẩn đường tiết niệu có thể phòng ngừa bằng nhiều cách

Uống đủ nước, nên uống tối thiểu 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày, tăng thêm khi trời nóng hay vận động thể lực. Tránh nhịn tiểu. 

Giữ vùng kín luôn khô thoáng, làm sạch sau mỗi lần đi vệ sinh. Tránh thụt rửa âm đạo. Sau mỗi lần quan hệ tình dục nên đi tiểu sạch nước tiểu và vệ sinh sạch sẽ vùng kín. Nên sử dụng dung dịch chuyên dụng để vệ sinh vùng kín và tránh lạm dụng. 

Nên thay mới quần lót sau 6 – 12 tháng sử dụng. Nếu thường xuyên sử dụng thì nên đổi quần lót mỗi 3 tháng hoặc sau mỗi 30 lần sử dụng. Trong trường hợp nhiễm khuẩn tiết niệu tái phát trong thời gian ngắn thì nên thay mới sớm những đồ lót đang sử dụng. Quần lót nên được giặt sạch ngay khi thay ra càng sớm càng tốt và tránh giặt chung trong máy giặt với quần áo khác. Cần phơi quần lót ở nơi khoáng và có ánh nắng mặt trời. Nên thay đổi quần lót thường xuyên, trong ngày không nên mặc một quần lót quá 10 giờ. 

Trên thị trường hiện nay có nhiều sản phẩm hỗ trợ chiết xuất từ quả việt quất được sử dụng trong việc phòng ngừa nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Tiêu biểu phải kể đến Arkopharma Cys-Control confort urinaire, sử dụng hai viên mỗi ngày cung cấp 250mg chiết xuất từ hoa thạch thảo (có tác dụng kháng viêm) và 267mg chiết xuất nam việt quất, trong đó chứa 36g Proanthocyanidins – một hợp chất có tác dụng kháng khuẩn, ngăn chặn sự bám dính của vi khuẩn lên niêm mạc răng miệng và niêm mạc đường tiết niệu, bao gồm Streptococcus mutans và E.coli. Đây là chất có đặc tính kháng khuẩn tự nhiên và tác dụng chống bám dính lên niêm mạc ngay với cả E.coli kháng thuốc. Trong thời đại vi khuẩn đề kháng kháng sinh phát triển nhanh chóng, các chất kháng khuẩn tự nhiên như Proanthocyanidins đang được chú trọng nghiên cứu để sử dụng trong việc phòng ngừa và hỗ trợ điều trị nhiễm khuẩn, đặc biệt là nhiễm khuẩn tiết niệu. Tuy nhiên chưa có nhiều bằng chứng khoa học có thể khẳng định hiệu quả của các sản phẩm chiết xuất từ quả việt quất trong việc ngăn ngừa và điều trị nhiễm khuẩn tiết niệu. Vì thế, chỉ nên sử dụng nhằm mục đích hỗ trợ điều trị và không thể thay thế cho các biện pháp ngăn ngừa nhiễm khuẩn niệu khác.

Nhiễm Khuẩn Tiết Niệu Và Những điều Lưu ý
Arkopharma Cys-control confort urinaire hỗ trợ điều trị nhiễm khuẩn tiết niệu

 

Kết luận

Nhiễm khuẩn đường tiết niệu là nhóm bệnh lý nhiễm khuẩn rất thường gặp và nữ giới thường hay mắc phải các tình trạng nhiễm khuẩn đường tiết niệu hơn nam giới. Vi khuẩn là tác nhân của hầu hết các trường hợp nhiễm khuẩn niệu. Biểu hiện rất đa dạng và phụ thuộc vào vị trí bị viêm nhiễm trên đường tiết niệu. Đây là bệnh lý viêm nhiễm thông thường và có thể bình phục hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu tình trạng tái phát nhiều lần hoặc kéo dài mà không được điều trị thích hợp sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, để lại hậu quả nặng nề.

Tài liệu tham khảo

  1. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6502976/ 
  2. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh về thận – tiết niệu (Ban hành kèm theo Quyết định 3931/QĐ-BYT ngày 21/09/2015 của Bộ trưởng Bộ Y Tế)
  3. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/23076891/ 
  4. https://www.cdc.gov/antibiotic-use/uti.html 
  5. https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0753332219305359 

    Đăng ký nhận nội dung hữu ích

    Sản phẩm liên quan

    X
    Add to cart