Thẩm định bởi:

Dược sĩ – Thạc sĩ Hoàng Phương Cúc

Co-Founder PharmaDi, Giám đốc PharmaDi Hà Nội

Thoái Hóa Khớp Là Gì? Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Cách điều Trị Dược Sĩ Nhà Thuốc Cần Biết

Thoái hóa khớp là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị – dược sĩ nhà thuốc cần biết

Mục lục

    Thoái hóa khớp là bệnh phổ biến thường gặp ở người cao tuổi. Đây là sự tổn thương ở các mô sụn khớp, xương dưới sụn, dây chằng, cơ quanh khớp và màng hoạt dịch. Thoái hóa khớp ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày và có thể dẫn đến nguy cơ tàn tật nếu không xử lý kịp thời. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những kiến thức đầy đủ giúp Dược sĩ chuyên môn tại nhà thuốc nắm chắc kiến thức và tư vấn cho khách hàng hiệu quả.

    Thoái hóa khớp là gì?

    Thoái hóa khớp được coi là bệnh mạn tính, là hậu quả của quá trình cơ học và sinh học bị mất cân bằng. Khi các lớp sụn bảo vệ ở đầu xương bị bào mòn, tổn thương, người bệnh sẽ cảm thấy đau nhức, khó khăn trong quá trình vận động.

    Thoái hóa khớp có thể xảy ra ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể. Vị trí nào thường xuyên hoạt động nhiều thì tỉ lệ bị thoái hóa sẽ cao hơn.

    • Thoái hóa khớp gối
    • Thoái hóa khớp cổ tay, bàn tay
    • Thoái hóa khớp háng
    • Thoái hóa khớp cổ chân, ngón chân
    • Thoái hóa đốt sống cổ
    • Thoái hóa khớp cùng chậu
    • Thoái hóa đốt sống thắt lưng

    Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thoái hóa khớp

    Thoái hóa khớp mang đến nhiều cảm giác khó chịu. Dưới đây là một số nguyên nhân dẫn tới tình trạng thoái hóa khớp thường gặp, các dược sĩ chuyên môn lưu ý để có lời khuyên giúp người bệnh phòng ngừa tốt hơn.

    Do độ tuổi  

    Thoái hóa khớp thường gặp chủ yếu ở người cao tuổi, phổ biến từ 75 tuổi trở lên. Ở người già, do hàm lượng protid trong sụn bị suy giảm, lượng máu trong cơ thể lưu thông kém dẫn đến sụn khớp không được cung cấp dinh dưỡng đầy đủ. Khi đó, sụn ngày càng bị bào mòn nhiều mà không được bồi đắp dẫn đến bị thoái hóa.

    Do di truyền

    Một số đối tượng bị khiếm khuyết ở một số gen như FGFR3- gen liên quan tới chức năng hình thành sụn. Từ đó, việc hình thành sụn bị suy giảm dẫn tới thoái hóa khớp.

    Do béo phì

    Béo phì thừa cân làm tăng trọng lượng cơ thể khiến cho hệ thống xương phải chịu lực nâng đỡ lớn hơn. Điều này làm cho các khớp bị căng giãn quá mức đặc biệt ở các vị trí khớp háng, đầu gối, cổ chân. Người bệnh sẽ cảm đau nhức gây khó khăn trong quá trình vận động. Bên cạnh đó, béo phì còn làm cho cơ thể bị rối loạn chuyển hóa làm cho quá trình thoái hóa sẽ diễn ra nhanh hơn.

    Khớp bị chấn thương

    Trong quá trình sinh hoạt hàng ngày, nếu không may gặp chấn thương ở vị trí các khớp sẽ làm cho tỉ lệ bị thoái hóa khớp sau này cao hơn. Ví dụ như bị trật khớp gối ở các cầu thủ bóng đá, sai khớp vai ở các cầu thủ bóng chuyền…

    Do nghề nghiệp

    Những ngành nghề phải hoạt động liên tục ở vị trí khớp nào đó trong một thời gian dài sẽ khiến khớp bị quá tải. Từ đó, khớp này sẽ bị chấn thương dẫn tới tình trạng thoái hóa diễn ra nhanh hơn.

    Ví dụ những người lao động bê vác hàng hóa nặng trong thời gian dài dễ bị thoái hóa đốt sống cổ, thoái hóa cột sống thắt lưng. Vận động viên điền kinh, bóng đá hoạt động nhiều có thể bị khớp gối, khớp cổ chân. Nghề nhà giáo phải thường xuyên đứng lâu dễ bị thoái hóa khớp háng.

                                      Một số nguyên nhân gây thoái hóa khớp

    Thiếu chất dinh dưỡng

    Sụn khớp có chứa nhiều nước (khoảng 80%), các sợi collagen tuýp II, glycosaminoglycan, proteoglycan. Chính cấu tạo này giúp cho sụn khớp có khả năng chống lại sự mài mòn và chịu được lực tác động lớn.

    Tuy nhiên, theo thời gian, các thành phần ở sụn khớp sẽ giảm bớt nên mọi người cần bổ sung hàng ngày từ các nguồn thực phẩm khác nhau. Nếu hệ khớp không được cung cấp đầy đủ chất, thoái hóa khớp sẽ diễn ra nhanh chóng và dễ dàng.

    Bên cạnh đó, các thực phẩm có chứa các chất chống oxy hóa cũng rất quan trọng như vitamin C, vitamin E, vitamin D… Các thành phần này giúp quá trình lão hóa diễn ra chậm hơn cũng như ngăn sự tiến triển của thoái hóa khớp.

    Ngoài ra, vitamin D còn có vai trò quan trọng trong chuyển hóa xương. Điều này  làm tăng chuyển hóa vùng đầu xương cạnh khớp, cải tạo cơ cạnh khớp giúp cấu trúc khớp ổn định hơn.  

    Nguyên nhân khác

    Với những người có hình dạng khớp hay cấu trúc xương không bình thường, khả năng bị thoái hóa khớp sẽ cao hơn. Trẻ sơ sinh bị loạn sản khớp háng làm cho khớp háng không vững. Nếu không phát hiện hoặc điều trị, khớp háng sẽ dễ dàng bị yếu và thoái hóa. Người đi chân không thẳng, chân vòng kiềng dễ bị thoái hóa khớp gối cao hơn người bình thường do áp lực không được phân bổ đều trên bề mặt khớp.

    Các triệu chứng điển hình của thoái hóa khớp

    Thoái hóa khớp là bệnh mạn tính diễn ra chậm và các mức độ tăng theo thời gian. Dưới đây là các dấu hiệu nhận biết Dược sĩ nhà thuốc cần lưu ý để tư vấn giúp người bệnh phát hiện sớm: 

    Đau nhức ở các vị trí khớp

    Đau nhức là biểu hiện đầu tiên khi có những vấn đề liên quan đến khớp. Ban đầu, cơn đau chỉ có tính chất cơ học, người bệnh cảm thấy đau khi vận động, giảm đau khi nghỉ ngơi. Nếu không điều trị, cơn đau sẽ kéo dài thường xuyên, liên tục và người bệnh cảm giác châm chích, khó chịu.

    Cứng khớp

    Người bệnh thoái hóa khớp thường có biểu hiện cứng khớp vào buổi sáng làm cho quá trình vận động diễn ra khó khăn, không vận động được trong thời gian đầu. Sau khi xoa bóp và vận động nhẹ nhàng trong 15-30 phút, các khớp bắt đầu mềm hơn và hoạt động được trở lại.

    Khớp có tiếng động khi di chuyển

    Khi di chuyển, vị trí khớp thoái hóa không được trơn tru, khả năng ma sát mạnh hơn sẽ tạo ra tiếng lạo xạo. Ngay cả khi đứng lên ngồi xuống hay thực hiện bất kỳ động tác nào, người bệnh cũng nghe tiếng động như rang bỏng ngô, hay tiếng lục lạc ở khớp.

    Sưng khớp

    Trong quá trình di chuyển, các mảnh sụn bị tróc vỡ và rơi vào khoang khớp. Từ đó, màng khớp hoạt dịch bị chấn thương làm khớp bị sưng lên, tràn dịch ra ngoài màng. Biểu hiện này thể hiện thoái hóa khớp đang có phản ứng viêm.

    Teo cơ

    Đây là biểu hiện của thoái hóa khớp ở giai đoạn nặng. Khi vùng cánh khớp bị teo, khớp lỏng lẻo hay trật khớp sẽ làm cho khớp bị biến dạng làm cho quá trình vận động sẽ khó khăn rất nhiều.

                                                Triệu chứng thoái hóa khớp

    Cẩm nang xử trí thoái hóa khớp dược sĩ nhà thuốc cần biết

    Thoái hóa khớp là bệnh mạn tính không thể chữa khỏi. Tuy nhiên, nếu có cách xử trí kịp thời sẽ làm chậm tiến triển của thoái hóa, giảm được các triệu chứng. Các Dược sĩ nhà thuốc cần bỏ túi ngay một số biện pháp sau để tư vấn cho người bệnh dễ dàng hơn.

    Tập thể dục hàng ngày

    Người bệnh thoái hóa khớp cần tập thể dục thường xuyên để giúp cho cơ bắp khỏe mạnh, cải thiện được các triệu chứng. Rèn luyện thể lực ở người béo còn hỗ trợ cho việc giảm cân, giảm áp lực của trọng lượng cơ thể lên hệ xương khớp. Khi thực hiện tập luyện, người bệnh nên chọn các bài tập thể dục nhẹ nhàng để tránh khớp bị chấn thương.

    Giảm cân

    Những ai đang trong tình trạng thừa cân, béo phì cần ăn uống điều độ, thực hiện các bài tập đúng cách để quá trình giảm cân đạt hiệu quả. Mặc dù giảm cân nhưng người bệnh không nên bỏ qua các thực phẩm có các thành phần bổ trợ cho khớp.

    Bổ sung các thực phẩm

    Một số thực phẩm chống oxy hóa có tác dụng ngăn tình trạng lão hóa của cơ thể, ngăn lão hóa của sụn khớp. Dược sĩ nhà thuốc cần tư vấn cho người bệnh để cải thiện tình trạng thoái hóa khớp tốt hơn.

    • Cá giàu omega-3: các axit béo omega 3 vào cơ thể sẽ được tổng hợp thành các hợp chất phân giải, có tác dụng chống viêm tốt. Một số loại cá giàu omega 3 như cá hồi, cá thu, cá cơm, cá trích… Ngoài ra, cá hồi cũng cung cấp nguồn protein dồi dào, tốt cho xương khớp.
    • Bông cải xanh: thực phẩm giàu sulforaphane, có tác dụng giảm mức độ của các phần tử gây viêm trong cơ thể như cytokine và yếu tố kappa B. Ngoài ra, bông cải xanh có chứa flavonoid  kaempferol có tác dụng chống viêm mạnh.
    • Các loại rau xanh, trái câycác loại rau xanh có chứa nhiều vitamin K hỗ trợ giảm viêm, tốt cho người thoái hóa khớp. Một số loại rau như rau cải xoăn, rau bắp cải, rau bina… Các loại trái cây có chứa nhiều vitamin C như cam, quýt, bưởi giúp tăng tổng hợp collagen, cải thiện sụn khớp.
    • Thực phẩm giàu vitamin D: trứng, sữa, phomat có chứa nhiều vitamin D hỗ trợ tăng hấp thu canxi, hỗ trợ xương khớp chắc khỏe.
    • Bổ sung thực phẩm chức năng tốt cho sụn khớp: các thực phẩm chức năng bổ sung dưỡng chất được nhiều người dùng lựa chọn. Genacol Original – sản phẩm sản xuất tại Canada hỗ trợ tái tạo sụn khớp, cải thiện thoái hóa khớp là sản phẩm có thể tham khảo.

                Bổ sung thực phẩm giàu Omega 3 để cải thiện tình trạng thoái hóa khớp

    Dùng thuốc giảm đau

    Thoái hóa khớp làm người bệnh cảm thấy đau đớn, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt cũng như trong công việc. Vì thế, thuốc giảm đau là lựa chọn của nhiều người bệnh. Các dược sĩ tại quầy cần tư vấn rõ ràng cách sử dụng thuốc giảm đau để việc điều trị được tốt hơn. Ngoài ra, dược sĩ tại nhà thuốc khuyên người bệnh thăm khám để kiểm tra được tình trạng thoái hóa cũng như có cách điều trị phù hợp nhất.

    Thoái hóa khớp không chữa khỏi. Nhưng nếu phát hiện sớm cũng như có cách điều trị phù hợp sẽ cải thiện được tình trạng nhanh chóng.

    Để tìm hiểu thêm về các sản phẩm hỗ trợ Thoái Hóa Khớp chính hãng – hiệu quả cao tại nhà thuốc, quý nhà thuốc truy cập tại đây.

    PharmaDi.vn – nền tảng phân phối Thực phẩm chức năng chính hãng B2B dành cho Nhà thuốc.  

      Sản phẩm liên quan

      X
      Add to cart