Thẩm định bởi:

Dược sĩ – Thạc sĩ Hoàng Phương Cúc

Co-Founder PharmaDi, Giám đốc PharmaDi Hà Nội

Tinh Dầu Hoa Anh Thảo Những điều Dược Sĩ Cần Biết

Tinh dầu hoa anh thảo – những điều dược sĩ cần biết

Mục lục

    Tinh dầu hoa anh thảo được nhiều chị em phụ nữ truyền tai nhau với hiệu quả trong việc làm đẹp da, giúp điều hoà nội tiết tố hay giảm các triệu chứng gây khó chịu thường gặp trong giai đoạn tiền mãn kinh. Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về tinh dầu hoa anh thảo, công dụng và cách sử dụng nó như thế nào nhé!

    1. Tinh dầu hoa anh thảo là gì?

    Tinh dầu hoa anh thảo được chiết xuất từ hạt của cây hoa anh thảo, một loài hoa thường nở về đêm có nguồn gốc từ Bắc Mỹ. Những lợi ích của tinh dầu hoa anh thảo chủ yếu đến từ Gamma-linolenic acid (GLA), đây là một acid béo không no nhiều liên kết đôi thuộc nhóm omega-6. Cơ thể không tự tổng hợp được GLA mà hấp thụ nó qua thức ăn hằng ngày. Tương tự như các acid béo cần thiết khác, GLA tham gia nhiều hoạt động quan trọng của cơ thể, là nguyên liệu cần thiết để tạo thành các hormone sinh dục và màng phospholipid của tế bào, nhất là tế bào thần kinh. Ngoài ra nó còn hoạt động như một chất chống oxy hóa và tham gia vào quá trình viêm.

    Tinh Dầu Hoa Anh Thảo Những điều Dược Sĩ Cần Biết
    Tinh dầu hoa anh thảo được chiết xuất từ hạt của cây hoa anh thảo

    2. Công dụng

    Tác dụng lên làn da: Omega-6 nói chung và GLA nói riêng là thành phần thiết yếu của ceramides, góp phần làm tăng cường hàng rào bảo vệ và duy trì độ ẩm cho da

    Trị mụn: một số nghiên chứng chứng minh được hiệu quả của GLA trong việc giảm viêm da và các tổn thương da do mụn trứng cá, đồng thời làm giảm tác dụng phụ của thuốc trị mụn isotretinoin. 

    Giảm viêm da dị ứng (eczema): Viêm da dị ứng có liên quan đến tình trạng thiếu hụt delta-6-desaturase (enzyme có vai trò chuyển hóa linoleic acid thành GLA). Vì thế, việc bổ sung tinh dầu hoa anh thảo cung cấp một lượng GLA cần thiết làm giảm áp lực do thiếu delta-6-desaturase, qua đó giảm các biểu hiện của eczema. 

    Giảm các triệu chứng tiền mãn kinh: tác dụng này của GLA có thể từ một chất chuyển hoá của nó (prostaglandin E1) – giúp ngăn chặn prolactin tác động lên cơ thể gây các triệu chứng tiền mãn kinh (bốc hỏa, cáu kỉnh, đau vú,…)

    Cholesterol máu và bệnh lý tim mạch: việc sử dụng tinh dầu hoa anh thảo được ghi nhận làm giảm nồng độ triglycerides máu và tăng nồng độ HDL ở người tăng lipid máu. Hiệu quả của tinh dầu hoa anh thảo trong việc làm giảm nguy cơ tim mạch còn nhiều tranh cãi do tính phức tạp trong chuyển hoá của GLA trong cơ thể.

    Tinh Dầu Hoa Anh Thảo Những điều Dược Sĩ Cần Biết
    Hiệu quả bảo vệ của GLA trong bệnh lý tim mạch chưa được làm rõ

    Đau thần kinh ở bệnh lý đái tháo đường: một vài thử nghiệm lâm sàng chỉ ra tác dụng có lợi của tinh dầu hoa anh thảo đối với biến chứng thần kinh ở bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường. 

    Có nhiều nghiên cứu khoa học và thử nghiệm lâm sàng nhằm chứng minh hiệu quả của tinh dầu hoa anh thảo với sức khỏe con người. Tuy nhiên, đa số các nghiên cứu này được tiến hành với cỡ mẫu nhỏ và thời gian ngắn. Còn nhiều tranh cãi về lợi ích của tinh dầu hoa anh thảo, đặc biệt đối với các bệnh lý tim mạch.

    Trong các nghiên cứu, hầu như không ghi nhận bất kỳ ảnh hưởng nghiêm trọng nào khi sử dụng tinh dầu hoa anh thảo. Một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi bao gồm: đầy bụng, đau dạ dày, khó tiêu, buồn nôn, tiêu chảy. Tuy nhiên, phản ứng dị ứng là tác dụng phụ nghiêm trọng có thể xảy ra khi dùng bất cứ loại thực phẩm hay thuốc nào, biểu hiện có thể là ngứa, đỏ da, nổi mày đay, khó thở,…Omega-6 làm giảm phản ứng viêm, tuy nhiên sử dụng liều cao với thời gian dài có thể thúc đẩy viêm ảnh hưởng xấu đến các vấn đề tim mạch

    3. Tương tác với thuốc và thức ăn

    Tinh dầu hoa anh thảo chưa có ghi nhận tương tác nào với thức ăn hay thảo dược. Thận trọng khi sử dụng tinh dầu hoa anh thảo với thuốc chống đông và người có rối loạn đông máu vì khả năng làm tăng chảy máu. Ngoài ra, tinh dầu hoa anh thảo còn tăng tác dụng của thuốc điều trị HIV lopinavir

    4. Những ai cần thận trọng khi sử dụng tinh dầu hoa anh thảo

    Phụ nữ có thai và cho con bú: việc sử dụng một lượng lớn tinh dầu hoa anh thảo có khả năng làm tăng nguy cơ sinh con nhẹ cân và biểu hiện eczema ở trẻ. Không đủ thông tin về tính an toàn khi bổ sung omega-6 trong giai đoạn mang thai và cho con bú. Vì thế không khuyến cáo sử dụng trong thai kỳ và giai đoạn cho con bú

    Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD): không nên dùng omega-6 cho những bệnh nhân COPD vì có thể làm tăng triệu chứng khó thở do tăng phản ứng viêm đường thở của họ

    5. Nhu cầu

    Theo AHA, khuyến cáo năng lượng từ omega-6 nên chiếm từ 5 – 10% tổng năng lượng trong khẩu phần ăn hằng ngày. Tương đương với 11- 22g omega-6/ngày đối với khẩu phần ăn 2000 kcal. GLA thường chiếm 8 – 14% lượng omega-6 trong tinh dầu hoa anh thảo, ở liều cao hơn 3g GLA mỗi ngày (gấp khoảng 3 – 4 lần nhu cầu) làm gia tăng tình trạng viêm, ức chế miễn dịch và tăng peroxyd hoá chất béo

    6. Phân tích một số sản phẩm tinh dầu hoa anh thảo trên thị trường

    Blackmores Evening Primrose oil: Mỗi viên nang mềm chứa 1000mg tinh dầu hoa anh thảo, trong đó có 100mg GLA. Với liều khuyến nghị sử dụng của nhà sản xuất là 2 – 4 viên/ngày, đạt khoảng 10 – 20% nhu cầu hằng ngày, cần kết hợp thêm chế độ ăn để đảm bảo nhu cầu omega-6 cho cơ thể.

    BioCare Evening Primrose Oil: Mỗi viên nang chứa 1000mg tinh dầu hoa anh thảo ( trong đó có 90mg GLA ) kết hợp với 10mg vitamin E . Khuyến nghị của nhà sản xuất là một viên/ngày, đạt khoảng 5% nhu cầu khuyến cáo cần đạt của omega-6 và 67% nhu cầu vitamin E hằng ngày.  

    Nachtkerzenol 500mg: Khuyến nghị của nhà sản xuất là hai viên mỗi ngày, tương đương 1000mg tinh dầu hoa anh thảo (trong đó có 100mg GLA)  và 20mg vitamin E. Với hàm lượng này cung cấp được khoảng 5% nhu cầu omega-6 và 134% nhu cầu vitamin E hằng ngày cho người trưởng thành theo khuyến cáo của WHO 

    Kết luận

    Tinh dầu hoa anh thảo đã được chị em phụ nữ sử dụng phổ biến với mục đích đẹp da, giảm mụn, điều hoà nội tiết hay giảm các triệu chứng khó chịu của giai đoạn tiền mãn kinh. Hiệu quả của tinh dầu hoa anh thảo đã được chứng minh qua một số nghiên cứu. Tuy nhiên, chưa có sự thống nhất và rõ ràng về tác dụng của tinh dầu hoa anh thảo, đặc biệt đối với các bệnh lý tim mạch

      Sản phẩm liên quan

      X
      Add to cart