Thẩm định bởi:

Tác giả – Biên tập viên Nguyễn Bích Trâm

Communication Manager

Ngành Dinh Dưỡng Nơi Giao Thoa Giữa Ngành Y Và Ngành Tiêu Dùng

Ngành dinh dưỡng – nơi giao thoa giữa ngành y và ngành tiêu dùng

Điều thú vị về ngành dinh dưỡng là nó có sự giao thoa giữa ngành y và ngành tiêu dùng, một bên thì có vẻ khô khan, một bên lại rất gần gũi với đời sống, ông Đặng Ngọc Hùng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh Dưỡng (NRECI) chia sẻ với PharmaDi.

Ai cũng quan tâm đến vấn đề sức khoẻ, nên cộng đồng nhìn chung có nhu cầu hiểu biết về dinh dưỡng rất cao. Tuy nhiên hiện nay lại không có nhiều nơi cung cấp kiến thức cho họ. Hầu hết trường đại học chỉ đào tạo nhân viên y tế. Do đó, mọi người thường chỉ tự tìm hiểu và lượm lặt thông tin qua bài viết từ những trang mạng bất kỳ nào đó mà họ tìm thấy, nên chỉ nắm bắt được những kiến thức mang tính chắp vá. Nguy hiểm là ở chỗ những kiến thức này vừa không đầy đủ vừa có xu hướng bị lệch lạc. Đơn cử như những hiện tượng phát sinh gần đây: dùng lá dừa cạn để trị tiểu đường, dùng lá đu đủ đực để trị ung thư…

Có một thực tế là ở Việt Nam, người làm trong ngành y mỗi khi nói chuyện với nhau thường dùng thuật ngữ hoặc những kiến thức rất khô khan. Lâu dần thành thói quen, nếu ai đó dùng những cụm từ đơn giản, dễ hiểu thì phần đông lại nghe có vẻ như… không sang lắm. Tuy nhiên cộng đồng nói chung thì ngược lại, mỗi khi nghe đến thuật ngữ liền thấy kém hấp dẫn, và không mấy hứng thú đi học những kiến thức về sức khoẻ.

Những thực tế đó đã dẫn đến sự ra đời của Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh Dưỡng (NRECI, viết tắt của Nutrition Research and Consulting Institute) vào năm 2022. Đây là một viện dinh dưỡng tư nhân – nơi chúng tôi dùng nền tảng dinh dưỡng y học kết hợp với ngôn ngữ đơn giản của cộng đồng để xây dựng các khoá đào tạo dinh dưỡng. Trong hai năm qua, viện NRECI đã đào tạo được 12.000 học viên. Họ đều là những người kinh doanh thực phẩm chức năng, mẹ bỉm, dược sĩ, huấn luyện viên gym, huấn luyện viên yoga và các bác sĩ.

Gần 100 khoá học đã được tổ chức, bao gồm những khoá về dinh dưỡng cơ bản và dinh dưỡng chuyên sâu cho từng nhu cầu, như tư vấn dinh dưỡng với các chủ đề dành cho sản khoa; dinh dưỡng nhi khoa; dinh dưỡng thể thao; dinh dưỡng làm đẹp; dinh dưỡng cho người ung thư; thiết kế thực đơn; tư vấn dinh dưỡng cộng đồng; tư vấn sản phẩm dinh dưỡng dành cho những người bán vitamin, khoáng chất, collagen, sữa…

Ngành Dinh Dưỡng Nơi Giao Thoa Giữa Ngành Y Và Ngành Tiêu Dùng
Viện trưởng Đặng Ngọc Hùng trong một khoá đào tạo dinh dưỡng chuyên sâu. Nguồn: NRECI

Nhìn chung hiện nay ở Việt Nam có rất nhiều tư tưởng, trường phái và cách tiếp cận khác nhau về dinh dưỡng. Ví dụ như trong bệnh viện thì có nhánh Dinh dưỡng lâm sàng, thường dựa trên việc dùng chất đạm, đường, chất béo và các loại vitamin theo nhu cầu khuyến nghị từ cơ quan chức năng. Rồi cũng có những nhánh không khuyến khích dùng thực phẩm chức năng. Viện NRECI của chúng tôi đi theo một nhánh mang tính tổng thể, hài hoà. Chúng tôi vẫn dựa trên một chế độ ăn theo nhu cầu khuyến nghị, nhưng phải đánh giá xem một cá nhân có khả năng ăn hoặc hấp thụ được bao nhiêu. Nếu có một khoảng thiếu hụt giữa nhu cầu hằng ngày và tình trạng ăn thực tế thì bổ sung chất dinh dưỡng vào khoảng trống đó. Còn nếu tình trạng thiếu hụt trầm trọng, dẫn đến bệnh tật thì cần phải dùng liều cao để tấn công.

Theo quan sát của tôi, hiện nay chưa có nhiều chuyên gia dinh dưỡng đi theo hướng này. Đa phần họ chỉ nghĩ rằng cần bổ sung sao cho đủ nhu cầu khuyến nghị, cần bao nhiêu thì bổ sung đúng bấy nhiêu là được. Nhưng nếu áp dụng cứng nhắc như vậy và thiếu tìm hiểu sâu thì hiệu quả thường không cao. Thậm chí với nhiều bệnh lý vốn trước giờ thường chỉ tập trung dùng thuốc để khống chế, như bệnh lý tự miễn, những bệnh lý liên quan đến ung thư, bệnh lý viêm…, chúng ta vẫn có thể dùng chất dinh dưỡng thay thuốc. Lĩnh vực này được gọi là dinh dưỡng trị liệu, là một trong hai phần chính của ngành dinh dưỡng gồm dinh dưỡng trị liệu và dinh dưỡng dự phòng.

Để tôi đưa ra một ví dụ về dinh dưỡng dự phòng. Vì nhiều lý do và hoàn cảnh đặc thù mà một người sẽ không thể ăn chuẩn chỉnh theo chế độ dinh dưỡng lành mạnh được khuyến nghị, như giới nhân viên văn phòng, người bận rộn, người không thể tự nấu ăn, người có bệnh lý đặc biệt… Họ biết ăn như thế nào là tốt nhưng không ăn nổi, hoặc dù có ăn thì cơ thể cũng không hấp thu được. Trong trường hợp đó, người làm dinh dưỡng nên thiết kế một thực đơn đẹp nhất cho họ, để họ ăn tốt hết mức có thể. Sau đó, cần phải ghi nhận xem họ ăn được bao nhiêu, so sánh với nhu cầu được khuyến nghị để đánh giá xem còn thiếu hụt bao nhiêu, rồi bù đắp vào phần bị thiếu hụt đó.

Còn với trường hợp một người đã bị bệnh, như đang bị rụng tóc, rối loạn giấc ngủ… Nếu họ bị thiếu chất sắt, thiếu magie… thì việc của người làm dinh dưỡng là dùng vi chất liều cao để tấn công vào, bù đắp phần bị thiếu hụt. Có những nhiều người bị thiếu sắt rất lâu, trong vòng vài tháng, dẫn đến lượng dự trữ sắt trong cơ thể tụt xuống mức thấp. Nếu đi khám, bác sĩ chỉ cho họ bổ sung liều hằng ngày thì chắc chắn không bao giờ đủ. Ví von đơn giản, cơ thể chúng ta có một “nhà kho” chứa chất sắt, dự trữ được 30 ngày, mỗi ngày tiêu tốn khoảng 10mg. Bây giờ nhà kho đang bị cạn kiệt mà mỗi ngày chúng ta chỉ bổ sung 10mg thì cơ thể đã dùng hết ngay trong ngày, không còn nguồn sắt để cho vào kho dự trữ. Chỉ có cách đưa liều cao thì mới có thể đáp ứng nhu cầu, giống như làm đầy lại tiền trong ngân hàng vậy. Khi đó, các phản ứng trong cơ thể mới diễn ra bình thường được.

Kinh nghiệm của chúng tôi cho thấy, không phải mọi cơ thể thiếu sắt cũng đều chỉ cần bổ sung sắt liều thấp. Có những trường hợp chúng tôi phải khuyên dùng liều cao 5 – 10 lần mức mọi người hay dùng thì mới thành công. Điều quan trọng là mọi giải pháp dinh dưỡng được đưa ra đều phải dựa trên phác đồ điều trị.

Nhìn chung cách tiếp cận tổng quan của chúng tôi về dinh dưỡng là vậy, còn khi áp dụng vào thực tế tư vấn cho khách hàng hoặc bệnh nhân thì còn tuỳ vào từng trường hợp. Với những người kinh doanh thực phẩm chức năng thì thường chúng tôi chỉ khuyên họ tư vấn khách hàng dùng với liều bổ sung hằng ngày. Còn với các bác sĩ thì linh hoạt hơn, ít nhất họ sẽ có thêm một công cụ nữa để can thiệp cho bệnh nhân. Có những bác sĩ thành công khi giúp bệnh nhân khoẻ hơn nhờ dinh dưỡng, trong khi trước đó cho bệnh nhân uống thuốc thì bệnh cứ tái đi tái lại.

Tóm lại chúng tôi luôn cố gắng hết sức để cho học viên thấy rằng dinh dưỡng thực sự có rất nhiều tính năng. Còn việc dùng được đến đâu trong từng trường hợp cụ thể thì còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Giống như một bí kíp võ công vậy, ai luyện được tầng 1 thì dùng tầng 1, luyện được tầng 2 thì dùng tầng 2, nhưng thực ra có đến 9 – 10 tầng hoặc thậm chí nhiều tầng hơn nữa để chúng ta tiếp tục tìm hiểu và luyện tập.

Cần tư vấn các khoá học dinh dưỡng phù hợp, bí quyết kinh doanh nhà thuốc và những thông tin hữu ích khác cho dược sĩ nhà thuốc, vui lòng liên hệ email info@pharmadi.vn hoặc số điện thoại 0976231023.

    Đăng ký nhận nội dung hữu ích

    Sản phẩm liên quan

    X
    Add to cart